Vài lần ghé thăm Hà Nội chưa bao giờ đủ với Nguyễn Khánh Vũ Khoa, nhiếp ảnh gia tự do tại TPHCM. Bởi, anh cho rằng Hà Nội có những nét thi vị rất riêng, mỗi mùa một vẻ, bản sắc văn hóa đậm đà, con người lịch thiệp…

Hà Nội thi vị
TPHCM chỉ có hai mùa nắng mưa, hoặc mùa nóng và… nóng hơn, còn Hà Nội có đủ bốn mùa. Mùa xuân đằm thắm sắc đào Nhật Tân, hè sang rực rỡ những trưa nắng chói. Mùa thu – mùa đặc sản của Hà Nội – lại hớp hồn du khách ở những khoảnh khắc giản dị như một sáng trời se se lạnh phóng xe trên phố Phan Đình Phùng thấy nắng vàng xuyên qua kẽ lá. Đông đến, trời Hà Nội đón những cơn gió mùa Đông Bắc rét tê tái, nhưng đó mới là thời tiết tuyệt vời để xì xụp một tô cháo sườn bên vỉa hè Lý Quốc Sư, hay thưởng thức bát bánh trôi tàu ấm bụng…
Anh Nguyễn Khánh Vũ Khoa, vốn là một người con của Sài Gòn cho rằng, mỗi mùa ở Hà Nội lại có cái nét thi vị riêng, nhịp sống hay con người cũng mang màu sắc rất khác.
“TPHCM nhanh và sôi động. Tôi thấy Hà Nội không chậm, nhưng yên tĩnh hơn. Không hề tĩnh lặng mà nhịp sống nhẹ nhàng, người ta có thể đi dạo lững thững quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, bát phố, ghé ăn một chiếc kem Tràng Tiền” – nhiếp ảnh gia 38 tuổi nói.

Vốn yêu thích sáng tác ảnh đường phố, anh Khoa hứng thú với những khung cảnh đời thường tình cờ bắt gặp tại Hà Nội. Anh cho rằng, Hà Nội có nhiều nguyên liệu để chụp, ở đâu cũng thấy hàng quán vỉa hè. Từ người già đến thanh niên đều không ngại chụp hình như ở TPHCM.
“Mình chụp thoải mái, chỉ cần đưa máy lên là các cô chú vui vẻ giơ tay chào hoặc làm tiếp công việc. Những đặc sản như xe bán rong trái cây, xe hoa… lên hình rất đẹp”, anh nói. “Chưa kể phố cổ có nét kiến trúc xưa cũ, gần như chỉ cần chớp khoảnh khắc con người trong khung cảnh đó là có một tấm hình đẹp”.
Văn hóa, ẩm thực gây thương nhớ
Nhiếp ảnh gia này chỉ ra khác biệt giữa ảnh đường phố của Hà Nội và TPHCM còn nằm ở màu sắc văn hóa. “TPHCM ngoài đường phố hiện đại thì không có vẻ cổ kính, mà đem đến cảm giác cũ kỹ, rất đời. Còn ảnh chụp ở phố cổ mang màu sắc hoài niệm Hà Nội xưa” – anh Khoa bày tỏ.
Anh Khoa còn cho rằng du lịch của Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn, minh chứng là người dân có thể thấy khách Tây ở khắp nơi. Theo anh, ở TPHCM khách Tây chỉ tập trung ở một số bảo tàng hay điểm đến nhất định; còn ở Hà Nội khách Tây đi khắp thành phố.

Ẩm thực Hà Nội cũng để lại nhiều ấn tượng thú vị trong mắt nhiếp ảnh gia này. Anh cho rằng đặc trưng nhất là món chè. Chè ở TPHCM hay đặc biệt chè miền Tây rất ngọt, thực khách ăn vào phải uống thêm nhiều nước cho hết vị ngọt gắt trong miệng. Nhưng chè Hà Nội vừa thanh thanh vừa đủ ngọt, nhẹ nhàng để ăn chơi chơi trong một buổi trưa, buổi chiều thực khách đói bụng cần thức quà gì đó man mát.
Kỷ niệm thú vị nhất với anh Khoa và bạn bè là lần ăn bún chả trong chuyến thăm Hà Nội đầu tháng 5. Vào quán, anh gọi ba phần bún chả cho ba người, mỗi phần giá 90.000 đồng. “Mình không thấy đắt và không tưởng tượng được một phần nhiều ít cỡ nào, chỉ nghĩ ba người ăn ba phần là hợp lí, hết lại gọi thêm. Cuối cùng, quán đem ra ba phần đầy ụ đủ bún, chả, rau… Ba thanh niên chỉ ăn hết một phần rưỡi” – anh Khoa kể.
Ẩm thực, văn hóa, con người… đều là những điều cuốn hút nhiếp ảnh gia này mỗi lần đến Hà Nội. Đặc biệt, mong muốn ghi lại nhiều góc đẹp hơn nữa ở Hà Nội là điều thôi thúc anh Khoa phải trở lại Hà Nội thêm nhiều lần.

“Phong cảnh chụp chưa hết, và mình còn muốn tìm hiểu, nghe câu chuyện về Hà Nội. Có hai khoảnh khắc mình vẫn muốn ghi lại một cách trọn vẹn nhất: Một là sương sớm trên cầu Long Biên, hai là mùa thu Hà Nội ở hồ Hoàn Kiếm” – anh giãi bày. Đó là hai khung cảnh đặc trưng ở Hà Nội mà nhiếp ảnh gia này biết đến đã lâu nhưng chưa có dịp trải nghiệm, tự tay chụp lại qua lăng kính của riêng mình.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Khánh Vũ Khoa thú thực bản thân chưa ở Hà Nội đủ dài, đủ lâu để hiểu hết về thành phố này. “Hà Nội còn có Hà Đông, Hà Tây (cũ)… với những làng nghề tôi chưa ghé thăm. Một lần ghé thăm không biết bao nhiêu cho đủ. Hà Nội có bốn mùa, mỗi mùa một vẻ, có lẽ phải chuyển khẩu ra Hà Nội ba năm mới chụp được hết” – anh Khoa hóm hỉnh nói.
Laodong.vn