UBND tỉnh Hoà Bình và UBND tỉnh Sơn La đều muốn tiếp tục triển khai phương án phân kỳ đối với tuyến cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu theo quy mô 2 làn xe, thay vì đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch với 4 làn xe tiêu chuẩn.
Phối cảnh một đoạn dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu. |
Lo khó xoay vốn bổ sung
Sự đắn đo là điều có thể nhận thấy trong Báo cáo số 95/BC-UBND vừa được UBND tỉnh Hoà Bình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giao thông – Vận tải liên quan phương án đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu, đoạn từ Km19 đến Km53, tỉnh Hoà Bình.
Đây là nội dung mà UBND tỉnh Hoà Bình thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Tại Báo cáo số 95/BC-UBND, UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải cho phép tỉnh này thực hiện đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn từ Km19 – Km53, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo phương án phân kỳ.
Trong đó, giai đoạn I (2024 – 2028), thực hiện đầu tư 2 làn xe, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe; giai đoạn II (2026 – 2029), thực hiện đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc theo quy hoạch.
“UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị 2 bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hỗ trợ tỉnh Hòa Bình với số vốn khoảng 9.763 tỷ đồng (sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh khoảng 19.760 tỷ đồng, vốn bố trí theo tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 9.997 tỷ đồng) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình”, Báo cáo số 95/BC-UBND do ông Quách Tất Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình ký nêu rõ.
Cần phải nói thêm rằng, theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu dài 188 km, được quy hoạch theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22 m, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tuy nhiên, Dự án cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu đoạn từ Km19+000 đến Km53 do UBND tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư với chiều dài 34 km được thực hiện phân kỳ đầu tư. Trong đó, giai đoạn I, xây dựng theo quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12 m, tương đương đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km và thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu đoạn từ Km19 đến Km53 giai đoạn I có tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Hoà Bình.
“Như vậy, nội dung đề xuất về giai đoạn I được đề cập trong Báo cáo số 95/BC-UBND cũng cũng chính là phương án đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn từ Km19 – Km53 đang được UBND tỉnh Hoà Bình triển khai”, một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam nhận xét.
Tương thích nhu cầu
Theo tính toán sơ bộ của UBND tỉnh Hoà Bình, trong trường hợp đầu tư ngay theo quy hoạch, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn từ Km19 – Km53 sẽ cần khoảng 19.760 tỷ đồng.
Ngoài việc còn thiếu tới 9.763 tỷ đồng, UBND tỉnh Hoà Bình lo ngại việc nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh sẽ làm thay đổi nhóm dự án, từ dự án nhóm A lên thành dự án quan trọng quốc gia, buộc đơn vị chủ đầu tư sẽ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quyết định của Luật Đầu tư công.
Để có thể trình Quốc hội phê duyệt dự án, chủ đầu tư sẽ phải tiến hành thực hiện lại từ đầu các bước quyết định chủ trương đầu tư (bao gồm lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình quyết định chủ trương đầu tư dự án…), quy định này sẽ khéo dài khoảng 1 năm để triển khai. Trong khi đó, Dự án giai đoạn I đã được HĐND tỉnh Hoà Bình phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm điều kiện bố trí vốn.
Bên cạnh đó, Dự án đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 4.650 tỷ đồng từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của tỉnh.
Trường hợp phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư sẽ dẫn đến Dự án không đủ điều kiện bố trí vốn từ Chương trình do tại Nghị quyết số 69/2022/QH15, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với các dự án điều kiện giao vốn trước ngày 31/3/2023.
“Do đó, trường hợp điều chỉnh quy mô dự án sẽ rất khó đáp ứng được quy định của Quốc hội về yêu cầu thời gian giải ngân vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương”, lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình phân tích.
Được biết, cùng với những lý do kể trên, UBND tỉnh Sơn La cũng muốn tiếp tục được thực hiện phương án phân kỳ 2 làn xe, thay vì phương án đầu tư 4 làn xe đối với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.
“Phương án đầu tư theo quy mô 2 làn xe tuy phải tiếp tục đầu tư giai đoạn II để đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch, nhưng lại tương thích với khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã xác định cho dự án này, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong giai đoạn đến năm 2030”, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La phân tích.
Dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu từng được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP vào năm 2019 với chiều dài 83 km, tổng mức 22.294 tỷ đồng. Do những khó khăn về huy động vốn xã hội hóa để đầu tư cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, nên tháng 4/2021, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng cho dừng thực hiện Dự án theo phương thức PPP và chia thành 2 đoạn để tỉnh Hòa Bình và Sơn La triển khai thực hiện theo Luật Đầu tư công.