Hàng chục năm qua, những nghệ nhân “chân đất”, trong đó có nhiều NCT ở thôn Xuân Áng, sau ngày lao động vất vả trên ruộng đồng lại tụ họp ở sân đình cùng biểu diễn những làn điệu chèo truyền thống. Bằng niềm đam mê cháy bỏng, các thành viên CLB chèo Xuân Áng đã bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống trên vùng đất di sản…
Những nghệ nhân “chân đất”
Nằm trên vùng đất Di sản Thành nhà Hồ, thôn Xuân Áng, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với những làn điệu chèo truyền thống, được những nghệ nhân “chân đất” hết mực giữ gìn.
Ở độ tuổi gần 70, nhưng bà Hà Thị Điền, ở thôn Xuân Áng, xã Vĩnh Long, Chủ nhiệm CLB chèo Xuân Áng đã có hơn 50 gắn bó với nghệ thuật chèo truyền thống. Với bà Điền và những thành viên CLB, những làn điệu chèo truyền thống từ lâu đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Sau khi rũ sạch bùn đất, những nghệ nhân “chân đất” lại tụ họp ở sân đình, dưới ánh trăng họ cùng nhau diễn những làn điệu chèo để xua đi tháng ngày vất vả với ruộng đồng, vun đắp tình làng nghĩa xóm và khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.
![]() |
CLB chèo Xuân Áng |
Bà Điền chia sẻ: “Với chúng tôi, tình yêu nghệ thuật chèo truyền thống được nhen nhóm từ các cụ cao niên. Ngày ấy, dù cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề nhưng khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn dầu lập lòe, các cụ vẫn say sưa với những làn điệu chèo. Cũng bởi vậy, tình yêu với nghệ thuật chèo đã in sâu vào máu thịt của lớp lớp các thế hệ người dân làng Xuân Áng”.
Những ngày đất nước vừa thống nhất, bà Điền khi ấy mới độ tuổi trăng tròn đã hăng hái tham gia biểu diễn những làn điệu như “Quan Âm Thị Kính”, “Cô gái sông Lam”, “Tấm Cám”, … Năm 1996, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, CLB chèo Xuân Áng được thành lập, với 24 thành viên. Thành viên CLB đều là những người nông dân độ tuổi từ 40 đến ngoài 70 nhưng có chung niềm đam mê với nghệ thuật chèo. “Hiện nay, CLB chèo Xuân Áng vẫn duy trì 24 thành viên gồm 6 nhạc công là nam, còn lại là diễn viên nữ. Sau khi hoàn tất công việc đồng áng, chúng tôi lại tụ họp ở sân đình cùng diễn những làn điệu chèo mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước”, bà Điền hồ hởi cho biết.
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo
Kể từ khi thành lập đến nay, CLB chèo Xuân Áng vẫn duy trì được thành viên CLB. Ngoài những hội viên tuổi cao, bà Điền còn tích cực vận động các diễn viên trẻ tham gia sinh hoạt.
![]() |
Bà Hà Thị Điền, Chủ nhiệm CLB chèo Xuân Áng. |
Những năm gần đây, ngoài tham gia biểu diễn phục vụ người dân địa phương, CLB chèo Xuân Áng còn góp mặt trong các hội thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh. Trong các năm 2016, 2018, CLB chèo Xuân Áng đã đại diện cho huyện Vĩnh Lộc tham dự Liên hoan văn hóa các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa và xuất sắc giành được giải A (2016), giải B (2018). Ngoài ra, CLB còn nhiều lần được các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen.
Không chỉ biểu diễn trong các hội thi, hội diễn, CLB chèo Xuân Áng còn thường xuyên phục vụ du khách tại các di tích như: Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, danh thắng quốc gia Kim Sơn, lễ hội phủ Trịnh, lễ hội Trần Khát Chân…
“Phần thưởng khi tham gia các hội thi, hội diễn, CLB sẽ dành để duy trì hoạt động cũng như mua sắm trang phục và đạo cụ. Vì xuất phát từ niềm đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống nên dù kinh phí hạn hẹp nhưng các thành viên CLB vẫn rất phấn khởi”, bà Điền bày tỏ.
Với những cống hiến tích cực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, bà Hà Thị Điền được cấp ủy, chính quyền đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.
Theo ông Hà Nguyên Phấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, CLB chèo Xuân Áng hiện có trên 20 thành viên tham gia trực tiếp. Hằng năm, CLB vẫn xây dựng kế hoạch và duy trì hoạt động thường xuyên. Ngoài tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hóa ở địa phương, CLB còn nhiều lần đại diện cho huyện tham dự các hội thi, hội diễn cấp tỉnh.“Ngoài chú trọng phát triển kinh tế – xã hội, đối với loại hình nghệ thuật chèo, tuồng cũng được chính quyền địa phương quan tâm và đưa vào nghị quyết để bảo tồn và phát huy. Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ cho loại hình này còn hạn hẹp, song qua các hội thi, hội diễn các CLB cũng báo cáo với địa phương để được hỗ trợ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch trình các cấp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí cho các CLB duy trì hoạt động”, ông Phấn nhấn mạnh.
Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết: Với người dân sinh sống trên vùng đất di sản, nghệ thuật chèo Xuân Áng và tuồng cổ Vĩnh Long đã in sâu vào tiềm thức. Mặc dù, các diễn viên đều là những nghệ nhân “chân đất” cao tuổi, nhưng lại giành được nhiều thành tích nổi bật trong các hội thi, hội diễn. “Thời gian qua, Trung tâm cũng thường xuyên mời các CLB biểu diễn tại Di sản Thành nhà Hồ để phục vụ du khách. Trong các lần biểu diễn, Trung tâm cũng có hỗ trợ kinh phí cho các CLB”, ông Trịnh Hữu Anh chia sẻ.
Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/giu-hon-nghe-thuat-cheo-o-vung-dat-di-san-57573.html