Hiện dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, đề xuất giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý.
Minh bạch tuyển dụng
Dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng. Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận, có thể coi đây là chế tài pháp lý để tháo gỡ các nút thắt trong cơ chế quản lý giáo dục mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã từng phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Ngành giáo dục đang nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: Giáo viên và tài chính”. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, xác định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo, trong đó có vai trò quản lý trực tiếp của các cơ quan quản lý GDĐT. Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ, Dự thảo Luật quy định rõ “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo” trước khi giao Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trao đổi với báo chí về vấn đề minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển dụng, sử dụng nhà giáo khi người đứng đầu cơ sở giáo dục có quyền rất lớn trong tuyển dụng giáo viên, TS Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT) cho biết, để thực hiện quy định trên của Luật, cơ quan soạn thảo phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GDĐT… trong đó quy định quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển dụng nhà giáo đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực. Mặt khác, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ngành Nội vụ và ngành giáo dục sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, thực hiện các cơ chế giám sát đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Đề xuất điều động giáo viên như trong quân đội
Đối với việc điều động vị trí công tác, dự thảo đề xuất trước hết nhà giáo phải đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác sẽ đảm nhận. Công tác điều động nhà giáo phải thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều động hoặc chủ trì thực hiện việc điều động theo phân cấp, ủy quyền.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.
Nhà giáo được cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp đồng ý cho thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục nơi nhà giáo chuyển đi chấm dứt hợp đồng với nhà giáo, cơ sở giáo dục hoặc cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đến thực hiện việc tiếp nhận.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, thực tế ghi nhận có nhiều trường hợp công tác ở miền núi đủ 3 năm và xin thuyên chuyển nhưng nhiều nơi không đồng ý với nhiều lý do khác nhau. Từ đó dẫn đến tình trạng cô giáo cắm bản 10 – 20 năm. Vì vậy, đề xuất này cần được nghiên cứu, quy định rành mạch hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất cơ quan quản lý nhà nước điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược cũng phải làm như quân đội. Điều là phải đi, nếu không đi là nghỉ việc.
Nguồn: https://daidoanket.vn/giao-tham-quyen-tuyen-dung-cho-nganh-giao-duc-10300295.html