Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong năm 2025, Bộ Tài chính đang đề xuất hai phương án giảm tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp, đó là giảm 30% tiền thuê đất hoặc mức giảm khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản cho rằng trong bối cảnh các địa phương đồng loạt tăng bảng giá đất theo hướng tiệm cận thị trường thì mức giảm tiền thuê đất cả năm nên ở mức từ 30 – 50%.
Bù đắp phần nào chi phí thuê đất tăng
Bàn về chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025 đang được Bộ Tài chính đề xuất, ông Nguyễn Đức Lập – viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản – cho biết chính sách giảm tiền thuê đất do bộ đề xuất được áp dụng chung cho cả nước, trong khi mức độ điều chỉnh tăng bảng giá đất ở mỗi địa phương khác nhau.
Đây là vấn đề cần phải cân nhắc để đưa ra mức giá giảm tiền thuê đất phù hợp cho từng địa phương. Theo ông Lập, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc địa phương điều chỉnh bảng giá đất lên quá cao, có nơi gấp 2, gấp 3, cá biệt có nơi tăng mấy chục lần, mức giảm tiền thuê đất 30% chưa thấm vào đâu.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, với mức giá thuê đất mà các địa phương đã thông qua trong ba năm gần đây tăng lên rất nhiều, riêng tại TP.HCM đất đã tăng hai lần. Bên cạnh đó, trong năm 2024 khi thực hiện Luật Đất đai mới các địa phương lại đồng loạt điều chỉnh tăng bảng giá đất lên.
“Điều này cũng đẩy chi phí thuê đất tăng lên. Trong thực tế, tỉ lệ % để tính giá thuê đất nằm trong khung từ 0,25 – 3% bảng giá đất, tại TP.HCM hiệp hội đã đề xuất mức tính tiền thuê đất từ 0,25 – 0,5% bảng giá đất nhưng TP vẫn giữ ở mức từ 0,5 – 1,5% bảng giá đất”, ông Châu nói.
Đối với đề xuất giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2025, ông Châu nhận định bộ đã tiếp thu ý kiến của hiệp hội và nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên để chính sách thực sự hiệu quả, mức giảm tiền thuê đất tối thiểu cũng phải ở ngưỡng 30%, nên cân nhắc giảm tiền thuê đất của doanh nghiệp trong năm nay ở ngưỡng từ
30 – 50%, vì mức giảm tiền thuê đất 30% trong năm nay chưa bù đắp được chi phí thuê đất tăng thêm của doanh nghiệp khi áp bảng giá đất mới.
Cần giảm cả tiền sử dụng đất và tiền thuê đất
Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng mức giảm 30% tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp không mới. Mức giảm này đã được áp dụng từ năm 2021 – 2024 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực, vượt qua khó khăn, dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
Hơn nữa, cũng cần thấy rằng việc các địa phương điều chỉnh tăng bảng giá đất theo hướng tiệm cận thị trường thời gian gần đây chưa ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, người dân đã có quyết định thuê đất, ký hợp đồng thuê đất trước thời điểm ban hành bảng giá đất mới.
“Chỉ những doanh nghiệp, người dân nhận quyết định thuê đất, ký hợp đồng thuê đất sau thời điểm ban hành bảng giá đất mới mới chịu ảnh hưởng, phải nộp tiền thuê đất ở mức cao hơn theo quy định bảng giá mới”, ông Tuấn nói.
Vị luật sư này cũng cho biết theo điều 159 Luật Đất đai doanh nghiệp, cá nhân thuê đất được sử dụng đơn giá thuê ổn định trong năm năm và đến kỳ điều chỉnh tăng tiền thuê đất tiếp theo thì mức tăng không vượt quá mức tăng CPI do Chính phủ công bố hằng năm.
Như vậy, việc điều chỉnh tăng bảng giá đất không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp, người dân đã thuê đất trước thời điểm ban hành bảng giá đất mới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người dân thuê đất sau thời điểm ban hành bảng giá đất mới sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Cũng theo luật sư Tuấn, ngoài đề xuất giảm tiền thuê đất năm 2025, Chính phủ đang xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành chính sách giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, cá nhân sử dụng đất.
“Nếu chính sách này được thông qua sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhiều hơn chính sách giảm tiền thuê đất. Chính sách này sẽ giúp cả doanh nghiệp và người dân giảm được nghĩa vụ tài chính đất đai khi áp dụng bảng giá đất mới theo hướng tiệm cận thị trường, đồng thời hạn chế được những tác động không mong muốn khi áp bảng giá đất mới”, vị này nhận định.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất
Trong văn bản đề xuất xây dựng chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025 gửi đến các bộ, ngành, địa phương mới đây, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án giảm tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, phương án 1 là giảm 30% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2025, phương án 2 là mức giảm khác theo đề xuất cụ thể của các cơ quan liên quan. Cho ý kiến về đề xuất này của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị mức giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân là 30%.
* TS NGUYỄN QUỐC VIỆT (Phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội):
Chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm
Trong điều kiện mới hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung, cho doanh nghiệp nói riêng nên tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa hỗ trợ đầu cung (hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) với hỗ trợ cầu (hỗ trợ đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng) sẽ tốt hơn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ dàn trải chỉ tập trung vào đầu cung, trong thời gian dài.
Cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ hiện nay xem chính sách nào tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có tác động lan tỏa, tạo công ăn việc làm có chất lượng, mang lại thu nhập cho người lao động. Với những chính sách hỗ trợ đạt mục tiêu này thì mới tiếp tục triển khai, đồng thời cần làm mới các chính sách hỗ trợ theo hướng tập trung, có trọng tâm, kích hoạt đúng điểm cần của nền kinh tế.
Ví dụ như chính sách hỗ trợ xuất khẩu, gia tăng giá trị nội địa, đổi mới công nghệ thời gian qua rất hiệu quả. Còn với chính sách hỗ trợ dàn trải, không hiệu quả thì nên giảm bớt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giam-tien-thue-dat-muc-nao-phu-hop-20250213084848837.htm