Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm; các bệnh viện đảm bảo cung ứng kịp thời và tránh lạm dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.
Tăng nhu cầu sử dụng thuốc kháng virus điều trị cúm
Trước thực tế bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus có xu hướng gia tăng, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, đã đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân.
![Bộ Y tế: Giám sát dịch cúm, cung ứng kịp thời thuốc điều trị- Ảnh 1. Bộ Y tế: Giám sát dịch cúm, cung ứng kịp thời thuốc điều trị- Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Bo-Y-te-thong-tin-moi-nhat-ve-virus-gay.jpg)
Các bệnh viện đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị bệnh nhân cúm
Đề nghị sở y tế các tỉnh, thành tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cần chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus
Trước đó, từ cuối tháng 12.2024, đánh giá dịch bệnh gia tăng trong mùa đông – xuân, lãnh đạo Cục Quản lý dược đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật khẩn trương có kế hoạch và mua sắm thuốc, tuyệt đối không để thiếu thuốc cho khám, chữa bệnh. Trong đó, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; thuốc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông – xuân như: cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Đồng thời, đảm bảo chất lượng và giá hợp lý, không để tăng giá thuốc đột biến.
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá thuốc. Trường hợp có vướng mắc về nguồn cung, các đơn vị phản ánh về Cục Quản lý dược để được hướng dẫn.
Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
Liên quan đến kê đơn thuốc điều trị cúm, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thuốc kháng virus điều trị cúm là thuốc được chỉ định sau khi bác sĩ đánh giá cụ thể ca bệnh. Các bệnh viện cần tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm. Người nhiễm, nghi nhiễm cúm không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, do làm tăng nguy cơ kháng thuốc, gây ra những tác dụng không mong muốn.
Các địa phương cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện nhà thuốc vi phạm quy định bán thuốc kê đơn (bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc).
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-y-te-giam-sat-dich-cum-cung-ung-kip-thoi-thuoc-dieu-tri-185250209205756509.htm