(PLVN) – Trong khi thị trường hóa chất dược phẩm toàn cầu liên tục mở rộng, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chỉ tập trung vào sản xuất các loại thuốc thông dụng và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện với chính sách thu hút đầu tư hiệu quả.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Cục Hóa chất, thị trường hóa chất dược phẩm toàn cầu đạt quy mô 108 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 205,6 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) 6,7% trong giai đoạn 2023-2032. Sự gia tăng nhu cầu về thuốc tiên tiến và dược chất là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Hiện nay, các dược chất sản xuất bằng phương pháp tổng hợp hóa học chiếm gần 72% thị phần hoạt chất dược phẩm (API) toàn cầu.
Ngành công nghiệp hóa dược phát triển mạnh tại các nước Bắc Mỹ, đặc biệt ở Hoa Kỳ, nhờ có các chính sách thuận lợi từ chính phủ dành cho nghiên cứu và sản xuất hóa chất dược phẩm. Châu Á-Thái Bình Dương cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh, với sản lượng API ngày càng cao và các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển API từ các công ty dược phẩm lớn trong khu vực.
Nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển của thị trường hóa chất dược phẩm, bao gồm nhu cầu ngày càng cao đối với thuốc mới, tiên tiến, tỷ lệ dân số già tăng lên, khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế tốt hơn, và chính sách hỗ trợ của các chính phủ đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thuốc hóa dược cũng có ưu điểm vượt trội so với các loại dược phẩm khác, góp phần thúc đẩy nhu cầu của thị trường.
Trong những năm gần đây, ngành dược phẩm Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực hóa dược, đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Thị trường dược phẩm trong nước đạt 7 tỷ USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 10-15% mỗi năm. Sự phát triển này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân cùng với sự quan tâm từ chính phủ nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, ngành hóa dược Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Phần lớn các doanh nghiệp dược nội địa chỉ sản xuất các loại thuốc thông dụng, như kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mà chưa sản xuất được các loại thuốc chuyên khoa và đặc trị đòi hỏi kỹ thuật cao. Cả nước hiện chỉ có 6 doanh nghiệp đăng ký sản xuất hóa dược, trong đó 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm terpin hydrat, hydroxit magie, canxi cacbonat, canxi phosphate và gelatin. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp này nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu, dẫn đến giá thành cao và khả năng cạnh tranh kém. Các sản phẩm từ cây dược liệu chủ yếu được sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước hoặc xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp.
Theo UNIDO, công nghiệp dược của Việt Nam xếp ở mức 3/5, nghĩa là “chủ yếu sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu.” Theo WHO, ngành dược Việt Nam ở cấp độ 3 (trong 4 cấp), có khả năng sản xuất thuốc generic và xuất khẩu một số dược phẩm nhưng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 5,2% nhu cầu cho thuốc tân dược và khoảng 20% cho thuốc đông dược.
Theo Cục Hoá Chất, ngành hóa dược trong nước vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, và do đó phần lớn nguyên liệu cho sản xuất thuốc và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác phải nhập khẩu.
“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hạn chế này bao gồm hiệu quả khai thác nguyên liệu thô thấp, không tận dụng được lợi thế kinh tế-xã hội của đất nước, cùng các chính sách chưa đủ sức thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đặt ngành hóa dược Việt Nam vào thế cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm ngoại nhập”- Cục Hoá chất thông tin.
Để ngành công nghiệp dược phẩm phát triển bền vững
Để phát triển bền vững ngành công nghiệp dược phẩm, Cục Hoá Chất cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể và khả thi.
Hiện tại, cơ chế và chính sách thu hút đầu tư cho ngành hóa dược vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng một chương trình nghiên cứu toàn diện để hoàn thiện hệ thống chính sách, từ khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đến phát triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cải cách thủ tục hành chính. Các chính sách ưu đãi đặc biệt cần hướng đến hoạt động nghiên cứu phát triển và công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa dược có giá trị cao, tạo điều kiện để ngành hóa dược phát triển mạnh mẽ hơn.
Về khoa học, công nghệ và đào tạo, theo Cục Hoá Chất, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền công nghiệp hóa dược tiên tiến để xây dựng chương trình thúc đẩy nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, chú trọng vào việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, bao gồm Việt kiều và chuyên gia nước ngoài, có cơ hội làm việc tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, ngành hóa dược đòi hỏi sự tập trung lớn về nguồn lực đầu tư. “Để thu hút vốn đầu tư, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm hóa dược. Ngoài ra, cần xem xét bố trí vốn từ ngân sách cho các dự án và chương trình trọng điểm về hóa dược” – Cục Hoá Chất nhận định.
Cũng theo đơn vị này, hợp tác quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng, giúp ngành hóa dược Việt Nam tiếp cận kinh nghiệm của các nước phát triển và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cần tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, hợp tác với các tổ chức và tập đoàn lớn trong lĩnh vực hóa dược, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư, bảo vệ sản xuất trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm quảng bá và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cần có những chiến lược xúc tiến thương mại cụ thể nhằm quảng bá sản phẩm và xây dựng hình ảnh quốc gia, đồng thời nghiên cứu để một số sản phẩm hóa dược trở thành sản phẩm quốc gia có giá trị kinh tế cao. Thông tin truyền thông cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về sản phẩm hóa dược.
Cục Hoá Chất Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam tuy đang đối mặt với nhiều thách thức lớn nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển. Để đạt được sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần áp dụng các giải pháp toàn diện, từ đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đến cải thiện quản lý chất lượng, khuyến khích đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế. Chỉ khi có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, ngành hóa dược Việt Nam mới có thể mở rộng ra thị trường quốc tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Nguồn: https://baophapluat.vn/giai-phap-nao-giup-nganh-cong-nghiep-duoc-phat-trien-ben-vung-post529842.html