Giống lúa mới chiếm gần 82%
Vụ Xuân 2025, bà Bùi Thị Lan (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) canh tác 3 sào lúa. Giống TBR225 tiếp tục được gia đình bà sử dụng. Đây là giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho chất lượng gạo thành cơm thơm ngon.
Không chỉ hộ bà Lan, nông dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn đang dần “phổ cập” các giống lúa mới tiên tiến, chất lượng trong những vụ mùa gần đây. Các giống lúa hiện được bà con sử dụng nhiều nhất là J02, Đài Thơm 8, TBR225, HD11…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, vụ Xuân 2025, toàn huyện gieo cấy hơn 9.000ha lúa, trong số này, có hơn 90% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng. Diện tích canh tác lúa giống Khang Dân trên địa bàn huyện ngày một giảm, hiện chỉ còn dưới 10%.
Huyện Sóc Sơn được xem là điểm sáng trong việc đưa những giống lúa mới vào canh tác. Xét trên bình diện toàn TP Hà Nội, việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hàng hoá thông qua sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cũng đang được tích cực triển khai rộng khắp.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin, riêng trong vụ Xuân 2025, toàn thành phố tổ chức gieo cấy gần 80.000ha lúa. Qua thống kê sơ bộ, tỷ lệ giống lúa thuần chất lượng cao đưa vào canh tác chiếm gần 82%. Con số này cũng có xu hướng tăng dần qua từng mùa vụ.
Nhân rộng cơ giới hoá
Cùng với việc khuyến khích đưa giống lúa mới năng suất, chất lượng vào canh tác, Hà Nội cũng đẩy mạnh các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ giới hoá trong làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Đặc biệt là sau khi HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, tỷ lệ cơ giới hoá đã tăng đáng kể.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, đến hết năm 2024, toàn huyện đã có 80 máy cấy 6 hàng, 100 máy cấy 4 hàng. Diện tích gieo cấy bằng máy cấy mạ khay tăng dần qua các năm, đến vụ Xuân 2025 thì đã đạt khoảng 1.500ha.
Cùng với huyện Phú Xuyên, các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng tích cực đưa Nghị quyết số 08/NQ-HĐND đi vào cuộc sống. Đến nay, khâu làm đất của Hà Nội đã gần như được cơ giới hoá hoàn toàn; khâu thu hoạch cũng đạt tỷ lệ ứng dụng cơ giới đến hơn 90%. Trong khi khâu gieo cấy, vẫn được xem là công đoạn khó cơ giới hoá, thì hiện cũng đã tăng 15% so với trước khi có Nghị quyết số 08/NQ-HĐND.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đánh giá, sau hơn 1,5 năm được ban hành, Nghị Quyết số 08/NQ-HĐND đã đi vào thực tiễn một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả, góp phần thay đổi phương thức canh tác truyền thống, nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo của Thủ đô.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương, hợp tác xã lập hồ sơ mua sắm máy móc, trang thiết bị cơ giới để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn vay vốn ưu đãi để đẩy nhanh tỷ lệ áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin thêm, nhằm nâng cao hiệu quả canh tác lúa, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu nhân rộng những vùng sản xuất lúa hàng hoá, chất lượng cao theo hướng tập trung, quy mô lớn; áp dụng các quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và quảng bá các chuỗi liên kết trong sản xuất – tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho lúa gạo mang thương hiệu của Thủ đô.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-kep-nang-cao-gia-tri-cho-lua-gao-thu-do.html