DNVN – Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá có nhiều bước tiến và phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí theo Giám đốc khách hàng doanh nghiệp NVIDIA Việt Nam, hiện thị trường khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ.
Khan hiếm nhân lực ở mọi cấp độ
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa xã hội. Với khả năng mô phỏng tư duy và nhận thức của con người, AI không chỉ hỗ trợ mà còn thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, tài chính, sản xuất đến giao thông vận tải.
Các chuyên gia dự báo, trong 6 – 8 năm tới, AI sẽ đạt đến mức hoàn thiện và trong vòng 50 năm tới, nó có thể thay thế hoàn toàn lao động con người trong một số ngành như công nghiệp nặng, hóa chất và dây chuyền sản xuất.
Tại Việt Nam, lĩnh vực AI đã có những bước phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dịch vụ việc làm (TITC), nhu cầu nhân lực AI đang tăng từ 10 – 15% mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng.
Nhiều trường đại học đã bắt đầu mở ngành đào tạo AI để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, FPT… đang hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn như NVIDIA để đào tạo nhân lực AI.
Ông Vũ Mạnh Cường – Giám đốc khách hàng doanh nghiệp NVIDIA Việt Nam.
Tại hội nghị về khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao ngày 11/2 ở Hà Nội, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường, nhấn mạnh, hiện thị trường khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ trong nhiều công đoạn như khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể khi AI đi vào các chuyên ngành, thị trường lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI: Sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông…
Việt Nam cần hàng trăm nghìn kỹ sư AI trong vòng 3 năm tới. NVIDIA đang triển khai chương trình Học viện Deep Learning (DLI) với các trường đại học để đào tạo sinh viên và nâng cao kỹ năng AI. Chương trình này cũng được đưa vào giảng dạy tại các doanh nghiệp lớn như FPT Software, nơi đã cấp hơn 6.000 chứng chỉ Deep Learning chỉ trong 4 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Cường, để mở rộng quy mô đào tạo, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sự đặt hàng từ các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT. Ông kiến nghị áp dụng phương pháp “train the trainer” để đào tạo giảng viên AI chất lượng cao, đồng thời kết hợp giữa tự học và hướng dẫn từ giáo viên.
Đẩy mạnh hợp tác AI tại Việt Nam
Tổng Giám đốc Google Việt Nam Marc Woo, đánh giá cao tiềm năng phát triển AI của Việt Nam. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ nhân lực AI bài bản. Google cam kết hợp tác với Chính phủ, các tổ chức và trường đại học để phát triển mô hình AI hiện đại, mang đậm tinh hoa tiếng Việt.
Bên cạnh đó, Google cũng sẽ hỗ trợ học sinh, sinh viên và giáo viên Việt Nam bằng cách cung cấp tài khoản miễn phí trên các nền tảng như Google Works, Google Space và Google Classroom – những công cụ ứng dụng AI để giúp người học tiếp cận AI từ sớm.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won, kiến nghị Chính phủ cần xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn cao để thúc đẩy các ngành công nghệ tiên tiến như AI và bán dẫn. Ông đề xuất Việt Nam có chính sách thu hút chuyên gia quốc tế nhằm đào tạo và phát triển nhân tài trong nước. Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Với sự chung tay từ Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục, AI có thể trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời đại số.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/giai-bai-toan-khat-nhan-luc-ai-o-viet-nam/20250212050037846