DNVN – Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ngày 10/2/2025 hiện duy trì ở mức 24.462 đồng.
Tỷ giá USD trên thị trường thế giới
Chỉ số Dollar Index (DXY), công cụ đo sức mạnh đồng USD so với
6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), vẫn giữ nguyên tại mức
108,04 so với ngày 9/2/2025.
Bước vào tháng 1, chỉ số DXY ghi nhận mức 109,4 và tiếp tục
đi lên, đạt 110 vào ngày 13/1 – đánh dấu mức cao nhất trong hơn hai năm.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự tăng trưởng ổn định của kinh tế
Mỹ, khi lĩnh vực sản xuất lần đầu mở rộng sau hai năm với chỉ số PMI đạt 50,9
điểm trong tháng 1. Đồng thời, thị trường lao động cũng có bước tiến khi việc
làm tăng tốc trong tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,1% và tăng trưởng GDP
năm 2024 đạt 2,8% nhờ chi tiêu tiêu dùng.
Dù vậy, đồng USD bắt đầu suy yếu sau khi Tổng thống Trump nhậm
chức và tuyên bố sẽ chưa áp thuế ngay trong ngày đầu tiên tại nhiệm. Chính sách
này phản ánh chiến lược của Mỹ trong việc sử dụng thuế như công cụ đàm phán để
đạt được các thỏa thuận thương mại. Điều này khiến chỉ số DXY giảm còn 108 vào
ngày 21/1.
Lạm phát tuy đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh 40 năm vào
giữa năm 2022 nhưng vẫn là thách thức lớn đối với Fed trong kế hoạch điều chỉnh
lãi suất. Trong tháng 12/2024, áp lực lạm phát tiếp diễn khi chỉ số PCE ghi nhận
mức tăng 2,6%, cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Lo ngại rủi ro kinh tế từ các chính sách của chính quyền mới
cùng tình trạng lạm phát kéo dài, Fed đã quyết định tạm ngừng chu kỳ cắt giảm
lãi suất tại cuộc họp tháng 1 sau ba lần điều chỉnh trong năm 2024. Nhờ đó, chỉ
số DXY có sự phục hồi nhẹ, đạt 108,4 vào cuối tháng 1.
Tuy nhiên, xu hướng ổn định nhanh chóng bị phá vỡ khi chính
quyền Trump thông báo áp thuế đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc
vào đầu tháng 2, đẩy giá USD tăng trở lại.
Giới phân tích nhận định, euro cùng nhiều đồng tiền châu Á
có thể tiếp tục suy yếu do ảnh hưởng từ sức mạnh của USD. Fed được dự đoán sẽ
giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay, với mức điều chỉnh khoảng 25-50 điểm cơ bản.
Trong khi đó, ECB, BoE và RBA có thể cắt giảm lãi suất từ 75 đến 100 điểm cơ bản.
Việc chênh lệch lãi suất ngày càng lớn sẽ củng cố đà tăng của
USD trong nửa đầu năm 2025. UOB dự báo đồng euro có thể chịu thêm áp lực từ
nguy cơ bị Mỹ áp thuế, khiến nó cùng bảng Anh và đôla Australia suy yếu.
Tương tự, các đồng tiền châu Á cũng đối diện nguy cơ mất
giá. Dự báo, tỷ giá USD/CNY có thể tăng lên 7,65 nhân dân tệ đổi 1 USD vào quý
III, so với mức 7,29 hiện tại. Đồng đôla Singapore, baht Thái và rupiah
Indonesia có thể giảm sâu nhất trong khoảng tháng 7-9.
Tỷ giá USD trong nước
Trong phiên giao dịch sáng 10/2, Ngân hàng Nhà nước công bố
tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên ở mức 24.462 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn
duy trì ở mức 23.400 đồng – 25.450 đồng cho hai chiều mua vào và bán ra.
Tại ngân hàng Vietcombank, tỷ giá USD tiếp tục ổn định ở mức
25.080 – 25.470 đồng/USD so với phiên trước.
Ngân hàng TPB hiện đang niêm yết mức mua tiền mặt USD thấp
nhất: 24.390 VND/USD.
Tại TPB, mức giá mua chuyển khoản USD thấp nhất hiện là
24.430 VND/USD.
Ngân hàng LPBank và OceanBank đang niêm yết mức mua tiền mặt
USD cao nhất, đạt 25.222 VND/USD.
Ngân hàng VietinBank dẫn đầu về tỷ giá mua chuyển khoản USD
với mức 25.549 VND/USD.
TPB có mức bán tiền mặt USD thấp nhất trên thị trường, ở mức
24.870 VND/USD.
HSBC đang áp dụng tỷ giá bán chuyển khoản USD thấp nhất, ở mức
25.429 VND/USD.
Saigonbank hiện có mức bán tiền mặt USD cao nhất, niêm yết tại
25.685 VND/USD.
Ngân hàng MB đang giữ mức bán chuyển khoản USD cao nhất, với
tỷ giá 25.620 VND/USD.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh
tăng nhẹ, lên mức 24.077 đồng – 26.611 đồng.
Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng
nhích lên, hiện giao dịch ở mức 148 đồng – 164 đồng.
Việt Anh (t/h)
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/gia-ngoai-te-ngay-10-2-2025-usd-tiep-tuc-tang-manh/20250210092916995