Dù EU từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc cắt giảm thuốc trừ sâu, song nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này vẫn phải đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn.
EU từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc cắt giảm thuốc trừ sâu
Thông tin nhanh đến phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã chính thức từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc cắt giảm thuốc trừ sâu, theo xác nhận từ Ủy viên Nông nghiệp Christophe Hansen. Điều này đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược nông nghiệp của khối, cũng như sự điều chỉnh trong chính sách thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green Deal).
![]() |
EU là một trong những thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam (Ảnh: VGP) |
Trước đó, mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030 từng là nền tảng của chính sách nông nghiệp bền vững của thị trường EU. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị loại bỏ vô thời hạn sau nhiều tranh cãi và phản đối mạnh mẽ từ nông dân cũng như các đảng cánh hữu.
Trong cuộc phỏng vấn với Euronews, ông Christophe Hansen – Ủy viên EU về Nông nghiệp và Thực phẩm khẳng định: “Chúng tôi đã không đạt được tiến triển nào. Vấn đề này hiện không còn nằm trong chương trình nghị sự của Ủy ban châu Âu”.
Kế hoạch Quy định sử dụng bền vững Thuốc trừ sâu (SUR), được đề xuất vào tháng 6/2022, đặt ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cấm hoàn toàn thuốc trừ sâu trong các khu vực nhạy cảm như công viên đô thị và khu bảo tồn Natura 2000. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ nông dân, dẫn đến việc bị rút lại vào năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng hứa sẽ đưa ra một đề xuất “chín chắn hơn” nhưng kế hoạch này bị hoãn lại cho đến sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024. Giờ đây, ông Christophe Hansen xác nhận rằng các sáng kiến trong tương lai sẽ tập trung vào thương mại và đổi mới công nghệ, thay vì áp đặt các mục tiêu bắt buộc về giảm thuốc trừ sâu.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin thêm, ông Christophe Hansen nhấn mạnh rằng, EU sẽ ưu tiên nâng cao tiêu chuẩn thương mại và đảm bảo thực phẩm nhập khẩu tuân thủ quy định về thuốc trừ sâu của khối. Một trong những sáng kiến quan trọng là Đạo luật Công nghệ Sinh học (Biotech Act), nhằm đẩy nhanh việc phát triển các giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống.
“Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để phát triển các giải pháp không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người,” ông Christophe Hansen nhấn mạnh.
Trong năm 2024, EU dự kiến đề xuất các biện pháp đẩy nhanh quy trình phê duyệt thuốc trừ sâu sinh học (biopesticides), một phần trong kế hoạch đơn giản hóa quy định. Đây là một trong số ít nội dung trong chính sách thuốc trừ sâu ban đầu nhận được sự đồng thuận rộng rãi.
Việc thay đổi chiến lược phản ánh tầm nhìn mới về nông nghiệp và thực phẩm của EU, đặt trọng tâm vào việc thu hút thế hệ trẻ vào ngành nông nghiệp thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp hạn chế môi trường.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam
Đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhấn mạnh rằng, việc EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Tuy nhiên, EU là thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng và EU vẫn sẽ siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, đặc biệt là về dư lượng thuốc trừ sâu.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin cụ thể, đối với các tiêu chuẩn khác, EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.
Đối với Chứng nhận kiểm dịch thực vật, theo quy định của EU, hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại.
EU cũng áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia. Ví dụ, 50% với ớt từ Cộng hòa Dominica; 30% cam và ớt từ Ai Cập; 10% đậu và 20% ớt từ Kenya.
Riêng đối với mặt hàng mật ong, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chia sẻ, thị trường mật ong Bắc Âu, gồm các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, đang áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024/1438). Những thay đổi này nhằm nâng cao tính minh bạch, ngăn chặn tình trạng pha trộn mật ong và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Bắc Âu.
Theo đó, yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới tại Bắc Âu đòi hỏi mật ong phải được ghi nhãn xuất xứ rõ ràng. Tất cả các loại mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn chính. Bên cạnh đó, các mẫu mật ong sẽ được kiểm tra bằng công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính xác thực. Toàn bộ chuỗi cung ứng, từ tổ ong đến sản phẩm cuối cùng, phải được ghi chép rõ ràng. Đặc biệt, đến năm 2028, EU sẽ áp dụng phương pháp phân tích tiêu chuẩn hóa mật ong trên toàn khu vực.
Hoặc, Thông tin từ văn bản số 27/SPS-BNNVN ngày 12/2/2025 của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã liên tiếp gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy do không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU.
Một trong những nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần thuộc nhóm “thực phẩm mới” theo quy định của EU.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mắc sai sót trong việc khai báo thành phần sản phẩm. Điển hình như ghi nhãn sai nguyên liệu dễ gây dị ứng. Ví dụ, tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo chất gây dị ứng (trứng có trong bột tẩm) và bột điều hữu cơ không đề cập đến đậu phộng, dẫn đến việc các sản phẩm này bị thu hồi.
Cùng với đó, sử dụng phụ gia trái phép hoặc vượt mức quy định.
Ngoài ra, vi phạm quy định đối với “sản phẩm hỗn hợp”. Doanh nghiệp không thực hiện kiểm dịch thú y hoặc không khai báo đầy đủ các thành phần từ động vật tại cửa khẩu.
Từ những thông tin trên cho thấy, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường EU vẫn đang phải đáp ứng những yêu cầu rất cao từ thị trường. “Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ canh tác sạch và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới của EU để duy trì và mở rộng thị phần tại khu vực này” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhấn mạnh.
Năm 2024, xuất khẩu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Trong đó thị trường EU chiếm 11,3%. |
Nguồn: https://congthuong.vn/eu-tu-bo-muc-tieu-giam-thuoc-tru-sau-voi-nong-san-375121.html