Bất chấp mong muốn của Ukraine về việc nhanh chóng có lộ trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nước thành viên liên minh quân sự này vẫn có các quan điểm khác nhau.
Bao giờ Ukraine gia nhập NATO vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. (Nguồn: Youtube) |
Ngày 1/6, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, NATO mở rộng cửa cho các thành viên mới, song liên minh không thể kết nạp một nước đang có xung đột.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng: “Với tình hình hiện tại, vấn đề không phải là thiết lập tư cách thành viên… Tất cả chúng ta phải tập trung vào làm thế nào để chúng ta, với tư cách cá nhân vẫn có thể ủng hộ được Ukraine”.
Trả lời câu hỏi về những đảm bảo an ninh nào có thể có đối với Ukraine, ông Scholz chỉ ra rằng, quá trình cung cấp các bảo đảm an ninh “cần có thời gian” và lưu ý rằng, “những bảo đảm” được trao cho Kiev về an ninh trong tương lai “nên hiệu quả nhất có thể”.
Theo ông, những bảo đảm an ninh phải được đưa ra theo cách “sao cho có thể mang lại cho Kiev sự an toàn cần thiết trước nguy cơ bị tấn công, đồng thời cũng ổn định Ukraine… và tất nhiên nó phải được thực hiện nghiêm túc”.
Tuy vậy, nhà lãnh đạo Đức lưu ý, bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào của phương Tây cho Ukraine trong tương lai cần phải khác với quy chế thành viên của NATO ở châu Âu.
Cũng trong ngày 1/6, tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO không chính thức ở Oslo (Na Uy), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, Budapest coi việc huấn luyện quân đội Ukraine dưới sự bảo trợ của liên minh quân sự là không thể chấp nhận được vì liên minh này phải tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Đề cập việc liệu có nên đưa vấn đề kết nạp Ukraine vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Vilnius (Lithuania) vào tháng 7 hay không, ông Szijjarto cho rằng, việc gia nhập liên minh của một quốc gia đang có xung đột không thể xuất hiện trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.
Tuy nhiên, tại hội nghị trên, vẫn có nhiều quốc gia hối thúc NATO đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc kết nạp Ukraine như Estonia, Pháp hay Tây Ban Nha.
Đến nay, NATO chưa chấp thuận đề nghị của Ukraine là sớm được gia nhập liên minh quân sự này do một số quốc gia thành viên cảnh giác với những động thái mà họ lo ngại có nguy cơ đưa khối này tới gần hơn một cuộc xung đột với Nga.
Dự kiến, Ukraine sẽ đưa ra một “thông điệp rõ ràng” tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 rằng Kiev sẽ gia nhập liên minh quân sự này sau khi xung đột với Nga kết thúc.
Ukraine thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết đưa ra năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một thời điểm nào đó.