PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô đã chia sẻ về những giải pháp nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong xu thế hội nhập.

anh 1.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thành Đô được tham gia các hoạt động: Câu lạc bộ tiếng Anh, Cuộc thi hùng biện tiếng Anh…

Cần một lộ trình cụ thể 

– Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong việc hiện thực hóa mục tiêu “đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” hiện nay?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tiếng Anh trở thành cầu nối để đưa đất nước vươn ra thế giới. Ngôn ngữ này cần thiết trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Vì vậy, việc “đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, như nội dung trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị là một quyết sách đúng đắn. Tiếng Anh chưa thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam ngay nhưng hướng tới điều này là rất cần thiết.

Hiện nay, đa phần các trường tư thục đều có chương trình song ngữ, sử dụng tiếng Anh cho việc học tập. Mô hình này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên, khi triển khai các chương trình này, theo quy định của pháp luật hiện hành, các trường phải trải qua khá nhiều bước, mất nhiều thời gian phê duyệt.

Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn nhân lực về đào tạo ngoại ngữ vẫn chưa đồng đều ở các địa phương, vùng miền. Điều này cũng là một thách thức trong quá trình phổ cập tiếng Anh.

Trước thực tế trên, để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, chúng ta cần đưa ra các bước và lộ trình cụ thể để chuẩn bị nguồn lực. Trước hết, nên ưu tiên đào tạo đội ngũ giáo viên thế hệ mới; trong đó có những đột phá trong cơ chế tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giáo dục

anh 2.jpg
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô

Xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ tiếng Anh cho giảng viên, sinh viên

– Trường Đại học Thành Đô xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ tiếng Anh cho giảng viên và sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục cụ thể nào, thưa bà?

Hướng tới mục tiêu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên cho sinh viên. Cụ thể, trường đưa vào chương trình học các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh, sử dụng tài liệu học bằng tiếng Anh; thường xuyên tổ chức workshop, seminar, các cuộc thi dùng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp. Các khẩu hiệu, bảng biểu truyền thông trong khuôn viên trường, website được viết song ngữ tiếng Anh, tiếng Việt.

Nhà trường lấy tiêu chuẩn giao tiếp bằng tiếng Anh là tiêu chí trong tuyển dụng nhân sự, tiêu chí nâng lương, khen thưởng; đồng thời định kỳ test năng lực tiếng Anh của cán bộ, giảng viên; gia tăng hợp tác với đối tác nước ngoài cho từng đơn vị.

Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tính tự học, không riêng gì với tiếng Anh mà đó còn là chìa khóa thành công trong mọi ngành học. 

anh 3.jpg
Trường Đại học Thành Đô tổ chức nhiều sân chơi hấp dẫn, thú vị để sinh viên có cơ hội giao lưu bằng ngoại ngữ

– Để nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, giảng viên và cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng. Tại trường Đại học Thành Đô, nhà trường có yêu cầu đặc biệt gì trong tuyển chọn giảng viên, nâng cao cơ sở vật chất, tạo nền tảng cho việc dạy và học tiếng Anh?

Tại Trường Đại học Thành Đô, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh thông qua hai yếu tố then chốt: đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.

Về tuyển chọn giảng viên, trường đặt ra tiêu chí cao với đội ngũ giảng viên giảng dạy tiếng Anh. Giảng viên cần đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quốc gia; đặc biệt có khả năng tự học, tự chủ việc dạy học và giúp người học phát triển khả năng tự học. Giảng viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, có chứng chỉ giảng dạy và các chứng chỉ quốc tế là một mục tiêu quan trọng. Ngoài ra, nhà trường còn ưu tiên những giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và khả năng áp dụng phương pháp hiện đại giúp sinh viên phát triển kỹ năng ngoại ngữ một cách toàn diện.

anh 4.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thành Đô

Về cơ sở vật chất, trường liên tục đầu tư nâng cấp các phòng học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ giảng dạy như bảng thông minh, hệ thống âm thanh, phần mềm học tập trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu giúp người học tự học, tự nghiên cứu. Sinh viên cũng tích cực tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, giúp nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ trong môi trường thực tế.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đầu tư cơ sở vật chất, Trường Đại học Thành Đô còn tổ chức nhiều cuộc thi, hội thảo chuyên đề như: Cuộc thi Olympic tiếng Anh, Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Hướng tới mục tiêu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo cần chuẩn bị những gì?”… nhằm hỗ trợ sinh viên nâng cao kỹ năng tiếng Anh và cập nhật xu hướng giảng dạy hiện đại.

Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo nền tảng vững chắc để sinh viên Thành Đô tự tin hội nhập trong môi trường làm việc quốc tế.

Xin cảm ơn bà!

Hướng đến hiện thực hóa mục tiêu trong dạy và học, sử dụng tiếng Anh, dự kiến ngày 24/2, Trường Đại học Thành Đô tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Hướng tới mục tiêu Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo cần chuẩn bị những gì?”. Đăng ký tham dự tại: https://forms.gle/Lqojax6qUAMJGX8E8.

Thu Nga (Thực hiện)