Các trường học trên cả nước đã tạm ngừng việc dạy thêm, song vẫn chờ văn bản hướng dẫn “gỡ vướng” cho những vấn đề phát sinh
Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2.
“Bó tay” khi phải đón con sớm
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, nhiều trường đã ngừng dạy thêm. Tuy nhiên, từ đó phát sinh một số khó khăn đối với phụ huynh.
Theo quy định, học sinh sẽ chỉ học đúng thời lượng theo chương trình đã được Bộ GD-ĐT quy định. Chẳng hạn, trường tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết, tối thiểu 32 tiết/tuần và tối đa 35 tiết/tuần. Khi cắt các tiết học bồi dưỡng kiến thức các môn có thu phí, các em sẽ tan học vào khoảng 15 giờ 30 phút. Điều này khiến phụ huynh lo lắng vì phải xoay xở, sắp xếp thời gian đưa đón con trong khi chưa tan làm. “Nếu nhà trường không bố trí được các hoạt động khác thì việc đón con sớm là việc rất khó đối với gia đình tôi” – anh Nguyễn Trung Dũng, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nói.
![Hoạt động dạy thêm, học thêm sau giờ học chính khóa hiện nay khá phổ biến. Ảnh chụp tại một trung tâm dạy thêm ở TP HCM chiều 14-2. Ảnh: TẤN THẠNH Hoạt động dạy thêm, học thêm sau giờ học chính khóa hiện nay khá phổ biến. Ảnh chụp tại một trung tâm dạy thêm ở TP HCM chiều 14-2. Ảnh: TẤN THẠNH](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Dua-day-them-vao-khuon-kho.jpg)
Hoạt động dạy thêm, học thêm sau giờ học chính khóa hiện nay khá phổ biến. Ảnh chụp tại một trung tâm dạy thêm ở TP HCM chiều 14-2. Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, tại TP HCM, trong khi giáo viên cấp trung học (chủ yếu là THPT) nhanh chóng thích nghi với quy định mới thì đa số giáo viên bậc tiểu học còn lúng túng. Đã dừng hẳn dạy thêm từ trước Tết Nguyên đán, cô T.H.V, giáo viên một trường tiểu học tại TP HCM, cho biết đang đợi ngành GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Theo cô V., có hai phương án mà giáo viên có thể thực hiện là đăng ký hộ kinh doanh để được dạy thêm tại nhà, hoặc đăng ký vào một trung tâm dạy thêm được cấp phép.
Trong khi đó, cô V.A, giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh, cho biết lâu nay cô dạy thêm ở trung tâm nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quy định mới. Tuy nhiên, với những học sinh cuối cấp học chính khóa ở trường và vẫn đang học thêm ở trung tâm, trung tâm sẽ không thu tiền. “Số học sinh này không nhiều, trung tâm cũng cố gắng thu xếp vì chỉ còn ít tháng nữa sẽ hết năm học” – cô A. cho hay.
Trường THPT Việt Đức (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức dạy thêm để củng cố kiến thức, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở cả 3 khối trong nhiều năm nay. Khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29/2024, trường đã dừng việc tổ chức dạy thêm, học thêm. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông tin nhà trường đã rà soát, lập danh sách học sinh tiếp thu kiến thức chậm dựa trên kết quả kiểm tra cuối học kỳ I, thi thử tốt nghiệp THPT để xây dựng kế hoạch dạy thêm không thu tiền. Học sinh sẽ đăng ký vào cuối tháng 2-2025 theo từng môn thi tốt nghiệp. Nhà trường sẽ giao giáo viên có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ học sinh tối đa nhằm hướng đến mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.
Giáo viên, nhà trường loay hoay
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay nhà trường đang tính toán phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, như bố trí giáo viên trông học sinh sau giờ học. Tuy nhiên, việc này phải có sự đồng thuận của giáo viên và phụ huynh bởi việc này phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Theo lãnh đạo một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội), nhiều năm nay, nhà trường luôn bố trí giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ học để phát triển tốt hơn, đồng thời bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém. Với quy định mới, nếu vẫn tổ chức bồi dưỡng ngoài giờ thì không được thu tiền của học sinh trong khi trường chưa có nguồn kinh phí nào để chi trả cho hoạt động này. “Rất mong có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có thể chi trả tiền công cho thầy cô giảng dạy thêm ngoài giờ. Đó là mong muốn rất chính đáng của các thầy cô” – lãnh đạo trường này bày bỏ.
Về phía giáo viên, nhiều người cho rằng việc vận động dạy miễn phí cho học sinh là “chưa thật sự thỏa đáng”, nhất là giáo viên trẻ với mức lương thấp, không đủ chi tiêu cho các yêu cầu cá nhân.
Ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, TP HCM – cho biết đơn vị đang chờ hướng dẫn chính thức từ Sở GD-ĐT TP HCM để triển khai đến các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên. Dù vậy, trước đó, đơn vị cũng đã triển khai đến các trường, nhắc nhở thầy cô thực hiện đúng quy định tại Thông tư 29/2024.
Đáng chú ý, ở tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Thông tư 29/2024, hàng trăm người dân đã đi đăng ký hộ kinh doanh để được tổ chức dạy thêm, trong đó có không ít trường hợp đứng tên giúp giáo viên.
Tại bộ phận một cửa của UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chị T.T.H cho biết thừa nhận đi đăng ký hộ kinh doanh để giúp một cô giáo có thể được dạy thêm. Còn anh N.N.T cũng đăng ký hộ kinh doanh giúp em trai và 1 người bạn tổ chức dạy thêm tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột.
Theo thống kê của Phòng Kế hoạch – Tài chính TP Buôn Ma Thuột, từ tháng 12-2024 đến nay, đơn vị đã cấp phép cho hơn 300 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với ngành nghề giáo dục khác chưa được phân vào đâu, cụ thể là dạy thêm, học thêm. Hiện vẫn còn gần 100 bộ hồ sơ đăng ký hỗ trợ kinh doanh ngành nghề này đang trong thời hạn xử lý.
Quản lý, giám sát ra sao?
Tại TP Đà Nẵng, nhiều trường học đã triển khai Thông tư 29/2024 tuy nhiên hiệu trưởng các nhà trường than khó khi phải chịu trách nhiệm chủ yếu.
Bà Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh, Hiệu trưởng Trường TH Bùi Thị Xuân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cho biết sáng 14-2, nhà trường đã thông báo lại việc thực hiện Thông tư 29/2024 để giáo viên nắm rõ. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên cam kết, đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế 2 đợt tại nhà giáo viên và không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Còn đối với hoạt động dạy thêm của giáo viên ở các trung tâm thì trường không có quyền kiểm tra.
“Hiệu trưởng chủ yếu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát giáo viên trong giờ dạy tại trường, còn giám sát ngoài giờ, ngoài trường thì quá khó. Ngay cả khi phát hiện dạy thêm tại nhà mà giáo viên nói đó là lớp học miễn phí thì cũng không có căn cứ để xử lý” – bà Trinh nêu thực tế và đề xuất giao thêm trách nhiệm giám sát cho chính quyền địa phương.
Theo ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM), có một số tình huống vẫn gây băn khoăn, chẳng hạn học sinh mong muốn học thêm chính giáo viên dạy chính khóa của mình nhưng không được. Hay như tình huống học sinh đến trung tâm đăng ký học thêm, vô tình được xếp vào đúng lớp mà giáo viên chính khóa của mình đứng lớp thì có vi phạm hay không? “Hiệu trưởng không thể đến nơi dạy thêm của giáo viên để xem có học sinh nào mà giáo viên đó đang dạy trên lớp hay không” – ông Đảo nêu khó khăn.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết quan điểm của sở đối với các trường hợp giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm là sẽ không có trường hợp ngoại lệ, không du di. Theo ông Minh, Thông tư 29/2024 hoàn toàn không cấm chuyện dạy thêm, học thêm nhưng sẽ quản lý việc này một cách chặt chẽ hơn, trả lại tôn nghiêm cho ngành giáo dục. “Nhu cầu học thêm để phát triển bản thân của học sinh là chính đáng, nên dạy thêm cũng là một công việc. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên tinh thần tự nguyện và phải đúng quy định” – ông Minh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM nhấn mạnh Thông tư 29/2024 quy định giáo viên đang dạy tại các trường công lập không được tổ chức, điều hành trung tâm dạy thêm là phù hợp với quy định của Luật Viên chức. Mặt khác, giáo viên phải dạy toàn bộ nội dung bài học ở lớp chính khóa, để học sinh hình thành, phát triển năng lực tự học, tránh việc học thêm vì một bài kiểm tra, một kỳ thi.
Có thể tổ chức dạy năng khiếu
Ông Hồ Tấn Minh khẳng định quy định mới chỉ không cho phép giáo viên bậc tiểu dạy thêm các môn văn hóa, nhưng nếu có năng lực thì vẫn có thể dạy các bộ môn năng khiếu như đàn, hát, múa, vẽ, luyện chữ đẹp… Các trường tiểu học hoàn toàn có thể mở các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ… để học sinh tham gia sau giờ học chính khóa, tạo điều kiện cho các phụ huynh đến đón con muộn. “Học sinh bậc tiểu học chỉ cần học văn hóa 2 buổi ở trường đã là đủ, cần phải rèn kỹ năng hay các năng khiếu khác để học sinh phát triển toàn diện hơn” – đại diện Sở GD-ĐT TP HCM nêu quan điểm.
Ông Hồ Tấn Minh cũng khẳng định các nhà trường vẫn có trách nhiệm ôn tập thi cho học sinh cuối cấp. Tùy từng địa phương thì sẽ có lộ trình, kinh phí tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp và bồi dưỡng cho học sinh yếu kém.
Nguồn: https://nld.com.vn/dua-day-them-vao-khuon-kho-196250214214230475.htm