Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là mô hình “trải nghiệm làm nông” đang ngày càng được quan tâm, bởi đây là cơ hội để nông dân không chỉ cải thiện thu nhập mà còn nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.
![Theo khảo sát của Dự án Nông nghiệp xanh OTA, một lượng kiều hối từ lao động xuất khẩu khu vực miền Trung bắt đầu chảy vào đầu tư nông nghiệp xanh (Ảnh minh họa)](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Du-lich-nong-nghiep-can-mot-cai-ten.jpg)
Dù một số quy định pháp luật đã có sự mở đường cho du lịch nông nghiệp nhưng đó mới chỉ là quy định chung chung, chưa có khái niệm chính thức. Nhiều nông dân mong muốn khái niệm về du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm nông nghiệp được đưa vào các văn bản pháp luật để thu hút người dân, HTX và doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Du lịch nông nghiệp không còn xa lạ
Du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, đầy triển vọng để nông dân Việt Nam có thể thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách nhà nước. Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho nông dân mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nông thôn, giúp duy trì và phát triển bản sắc văn hóa nông thôn Việt Nam trong thời đại mới.
“Trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình này là một trong những nền tảng khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm kết hợp với nông nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cần những quy định rõ ràng của pháp luật về du lịch nông nghiệp du lịch trải nghiệm nông nghiệp để có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và tập trung đầu tư nông nghiệp bền vững”- chị Lê Thị Tình, Chủ nhiệm HTX dịch vụ làm vườn hữu cơ (Hà Nam) bày tỏ mong muốn.
Mặc dù du lịch nông thôn và du lịch nông nghiệp gắn liền với các vùng nông thôn, nhưng thực tế hiện nay, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được phát triển ở các khu vực thành thị, gần các thành phố lớn. Những mô hình này không chỉ là các hoạt động tham quan, trải nghiệm nông thôn mà còn kết hợp với các yếu tố khác như tham gia vào quá trình sản xuất nông sản, học hỏi về kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, hay tham gia các lớp học nấu ăn, chế biến thực phẩm từ nông sản sạch.
![ảnh 2](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739168048_474_Du-lich-nong-nghiep-can-mot-cai-ten.jpg)
“Ở ngoại thành Hà Nội đã có những mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp với các khu vườn trái cây, trang trại hữu cơ, tạo ra các không gian trải nghiệm dành cho du khách. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện tại chưa bao quát hết được các loại hình du lịch nông nghiệp này, đặc biệt là đối với các khu vực thành thị. Việc thiếu khung pháp lý riêng biệt cho du lịch nông nghiệp sẽ khiến cho các hộ nông dân và các địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bền vững”- anh Phạm Tuấn Dũng, chủ vườn bưởi Dũng Ninh (Hà Nội) nêu ý kiến.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng, tổng thu nhập của người dân nông thôn thì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, trong khi các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.
Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước…
Cần tên gọi đúng quy định pháp luật
Luật Du lịch 2017 đã đề cập đến các hình thức du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, tuy nhiên, du lịch nông nghiệp và du lịch trải nghiệm nông nghiệp vẫn chưa được quy định rõ ràng trong văn bản này.
Luật Đất đai 2024 có một số điều khoản mới có thể tạo cơ hội lớn cho phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt là trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc cho phép chuyển đổi linh hoạt đất nông nghiệp sang các mục đích khác, bao gồm du lịch, là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi đất đai phục vụ cho mục đích du lịch bền vững đạt hiệu quả, cần phải có các quy định cụ thể về mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Những quy định này sẽ giúp người dân, HTX và các doanh nghiệp dễ dàng hiểu và thực hiện các bước cần thiết để chuyển đổi đất đai, tránh được những sai sót trong quá trình chuyển đổi và phát triển mô hình du lịch.
Các cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai các dự án du lịch nông nghiệp, từ việc kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải đến việc duy trì sự đa dạng sinh học tại các khu vực du lịch. Các hoạt động du lịch không thể được thực hiện một cách tùy tiện, mà phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Theo TS Đinh Tuấn Hà, Giám đốc dự án phi lợi nhuận OTA- nâng cao năng lực nông dân công nghệ số, mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch trải nghiệm nông nghiệp đã và đang phát triển ở các địa phương nhưng nhìn tổng thể vẫn thiếu một khung pháp lý rõ ràng để quản lý và phát triển mô hình này. Do đó, việc đưa các khái niệm này vào văn bản pháp luật không chỉ tạo cơ sở cho nông dân phát huy nguồn lực mà còn tạo ra nền tảng pháp lý giúp các cơ quan giám sát các hoạt động liên quan đến sử dụng đất, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp bền vững một cách hiệu quả.
Nguồn: https://daidoanket.vn/du-lich-nong-nghiep-can-mot-cai-ten-10299622.html