Từ đất nước Lào anh em, nhiều du học sinh đến Việt Nam theo học, gắn bó và coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Bởi vì nơi đây các bạn trẻ còn có một người mẹ Việt chờ đón họ trở về mỗi cuối tuần.
Đó chính là mô hình “Người mẹ thứ hai” đầy nhân văn của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng và cũng là một trong những mô hình thực hiện phong trào thi đua “Mỗi hội viên, một cử chỉ đẹp – Mỗi tổ chức Hội, một hành động ý nghĩa” của Hội. Thông qua mô hình này, rất nhiều cử chỉ đẹp của hội viên, phụ nữ đã và đang được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Cuối tuần sum họp gia đình
Ở Việt Nam đã 3 năm rồi nhưng chàng sinh viên Aek chưa bao giờ có cảm giác cô đơn, lạc lõng như những du học sinh ra nước ngoài học tập. Đến từ thành phố Pakse, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Aek trở thành sinh viên của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chăm chỉ học tập tại trường, chàng sinh viên chỉ mong đến ngày cuối tuần để được trở về trong vòng tay của mẹ Vũ Thị Xuân Hương ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Chị Vũ Thị Xuân Hương (thứ 2 từ phải sang) cùng 4 con nuôi là sinh viên Lào
Aek cho biết, sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của mẹ Hương khiến những người con nuôi như cậu luôn cảm thấy ấm áp, đỡ nhớ nhà hơn.
“Tôi rất hạnh phúc khi được làm con nuôi của mẹ Hương. Mẹ luôn yêu thương, quan tâm và giúp đỡ tôi trong cuộc sống. Qua mẹ Hương, tôi cảm thấy biết ơn và kính trọng những người mẹ Việt đã dang rộng vòng tay chào đón và giúp đỡ các con Lào chúng tôi trong thời gian học tập tại Việt Nam. Chúng tôi coi những người mẹ Việt – nhất là mẹ Hương như người thân trong gia đình và luôn nhớ về họ với tấm lòng biết ơn sâu sắc”, nam sinh chia sẻ.

Aek là sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng
Aek cũng bày tỏ bản thân rất vui khi được sống và học tập tại Việt Nam. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời anh bởi anh đã có cơ hội được khám phá một nền văn hoá mới, được gặp gỡ những con người tuyệt vời và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích.
Đến từ huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong, Chansamone (SN 2002) cũng là một người con của mẹ Hương. Cô đang theo học Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
“Hiện tại, tôi đang ở nhà của mẹ Hương. Tôi cảm thấy rất hài lòng khi được ở với mẹ vì mẹ chăm sóc chúng tôi thật tốt. Qua những câu chuyện mẹ chia sẻ, chúng tôi biết thêm về văn hóa và con người Việt Nam. Là một người con của mẹ Việt, tôi cũng rất tự hào về nền văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Từ các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên Đán, Trung Thu đến các món ăn đặc sắc như phở, bánh mì, mỗi điều đều góp phần tô điểm cho cuộc sống của tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi được tiếp cận với một nền giáo dục chú trọng cả về kiến thức lẫn đạo đức”, Chansamone bày tỏ.

Sinh viên Chansamone cũng là một người con của mẹ Hương
Chia sẻ về những đứa con người Lào của mình, chị Vũ Thị Xuân Hương, Hội viên Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, chị đang “nuôi” 4 đứa con người Lào, đều là sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng. Các bạn đều là thế hệ trẻ của đất nước Lào, sống rất tình cảm và tôn trọng văn hóa Việt. Trước đây, chị đã từng nhận đỡ đầu, hỗ trợ, giúp đỡ cho 8 bạn sinh viên Lào đến Đà Nẵng học tập. Sau khi tốt nghiệp, các bạn trẻ đã về nước làm việc.
Được biết, đây là địa phương có nhiều trường đại học lớn, thường xuyên đón sinh viên Lào đến học tập và ở lại các khu ký túc xá, Hội LHPN quận Liên Chiểu đã triển khai hiệu quả mô hình “Người mẹ thứ hai”. Trong năm đầu tiên phát động, có 11 gia đình hội viên phụ nữ tại phường Hòa Khánh Nam tham gia, nhận đỡ đầu, chăm sóc 22 sinh viên. Đến nay, mô hình được nhân rộng đến các phường còn lại trong địa bàn quận, và đã có thêm 24 mẹ tại các phường tiếp tục nhận đỡ đầu 46 em sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố.
Cử chỉ đẹp của hội viên phụ nữ
Bà Trần Thị Thu Hạnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Đà Nẵng cho biết, được triển khai từ tháng 3/2019, mô hình “Người mẹ thứ hai” của Hội LHPN TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ, đón nhận các em sinh viên Lào đang sinh sống, học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Hàng chục sinh viên đã trở thành con trong gia đình của các chị em hội viên.
Theo từng năm học, số lượng gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ đăng ký tiếp nhận đỡ đầu, nhận sinh viên Lào làm con nuôi càng nhiều hơn. Khi tuyển chọn các gia đình nhận là người mẹ thứ hai, các các cấp Hội xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Các hộ gia đình cán bộ Hội, cán bộ về hưu, nhà cửa tươm tất, giáo dục con cái bài bản được ưu tiên xem xét trước.

Theo từng năm học, số lượng gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ đăng ký tiếp nhận đỡ đầu, nhận sinh viên Lào làm con nuôi càng nhiều hơn
Ngoài các hoạt động giao lưu, các sinh viên được mẹ đỡ đầu trực tiếp chăm sóc tại gia đình và dạy thêm tiếng Việt, hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam và được tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Việt.
Đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, sinh viên Lào không thể về nước phải ở lại ký túc xá trường, các mẹ và gia đình thường xuyên gọi điện thoại động viên, mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm gửi đến ký túc xá. Hay dịp Tết Nguyên đán, có mẹ nuôi đã đón các con về nhà ăn Tết cổ truyền Việt Nam, đưa các con đi may áo dài, hướng dẫn gói bánh chưng, nấu mì Quảng và cùng tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng của thành phố.
Không chỉ hỗ trợ các sinh viên Lào trong khoảng thời gian theo học mà việc nhận đỡ đầu, làm con nuôi từ những gia đình hội viên phụ nữ cũng đã gieo một cơ duyên đặc biệt để những con người ở 2 đất nước khác nhau gắn kết thành những người thân thuộc. Các sinh viên sau thời gian kết thúc học, khi trở về Lào vẫn nhớ về cha mẹ nuôi của mình. Hai bên gia đình các em vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ, thăm hỏi nhau và trở thành người thân thuộc như trong gia đình.
Ngoài mô hình “Người mẹ thứ hai”, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng còn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tích cực hưởng ứng chương trình “ở nhà dân” dành cho sinh viên Lào. Trong năm 2023, 89 sinh viên Lào được gia đình cán bộ Hội, hội viên phụ nữ các phường thuộc các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn đón nhận về sinh hoạt cùng gia đình.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhung-du-hoc-sinh-lao-hanh-phuc-trong-vong-tay-nguoi-me-thu-hai-20250223154112952.htm