Arab Saudi hợp tác với công ty nhà kính Hà Lan Van Der Hoeven xây dựng một khu vực “khí hậu nhân tạo” để trồng trọt trên sa mạc.
Các chuyên gia đang biến một khu vực rộng tương đương 15 sân bóng thành ốc đảo trồng trọt ở ngoại ô Neom, thành phố mới của Arab Saudi đang xây trên sa mạc, gần Biển Đỏ, Bloomberg hôm 7/8 đưa tin. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào công nghệ – thực phẩm với một quốc gia như Arab Saudi: Cảnh quan phần lớn khô cằn và nhiệt độ mùa hè khắc nghiệt khiến nước này phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm.
Theo công ty Hà Lan Van Der Hoeven, dự án mới chỉ là bước khởi đầu. Công ty này đã ký hợp đồng trị giá 120 triệu USD với chính phủ Arab Saudi, bao gồm việc thiết kế và xây dựng hai cơ sở thử nghiệm ở ngoại ô Neom, đồng thời vận hành chúng trong nhiều năm.
“Chúng tôi đang xây dựng một môi trường khí hậu nhân tạo, nơi việc trồng trọt ngoài trời gặp nhiều khó khăn, với mục tiêu giúp cây trồng cho thu hoạch quanh năm”, Michiel Schoenmaeckers, CEO của Van Der Hoeven, cho biết.
Tại Neom, Arab Saudi tìm đến các chuyên gia từ Hà Lan, nhà xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới sau Mỹ dù là một trong những nước nhỏ nhất châu Âu. Năng lực của nước này tăng lên nhờ các giải pháp sáng tạo như nhà kính tiên tiến và canh tác thẳng đứng, với 1/2 diện tích đất được phân bổ cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài đáp ứng nhu cầu của Neom, mục tiêu cuối cùng là biến các cơ sở mới thành một trung tâm thực phẩm của khu vực. Chúng sẽ cung cấp lương thực cho cả những khu vực khác của Arab Saudi, đồng thời làm ví dụ tích cực cho các quốc gia khác đang vật lộn với an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, theo Juan Carlos Motamayor, CEO của Neom Food.
Dự án sẽ mở rộng đáng kể sau khi hai nhà kính thí điểm sẵn sàng, Motamayor cho biết. Việc xây dựng diễn ra từ đầu năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2024. “Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô lên hàng trăm ha với các loại nhà kính khác nhau”, Motamayor nói.
Neom cần hơn 1.000 ha nhà kính để thực hiện mục tiêu sản xuất hơn 300.000 tấn rau củ quả. Thành phố đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong vòng 8 – 10 năm tới. “Không có nơi nào khác trên thế giới đang cố gắng phát triển ở quy mô mà chúng tôi muốn phát triển và triển khai nông nghiệp trong điều kiện khô hạn”, Motamayor nhận định.
Van Der Hoeven, với hàng loạt công nghệ trồng trọt mới nhất như hệ thống lọc nước tiên tiến và hệ thống trồng trọt bằng trí tuệ nhân tạo (AI), dự định bắt đầu vận hành cơ sở đầu tiên sớm nhất vào tháng 8 năm sau.
Tại địa điểm thứ nhất, một hệ thống làm mát mới sử dụng năng lượng mặt trời và nước biển được ứng dụng để vận hành nhà kính trong suốt mùa hè nắng nóng. Phương pháp này giúp giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ từ địa phương. Ở địa điểm khác, một nhà kính sẽ được xây dựng để giới thiệu các loại cây lâu năm cho Neom.
Thu Thảo (Theo Bloomberg)