Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19/2 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp trực tiếp sớm nhất trong tháng này, sau cuộc đàm phán Nga – Mỹ giữa 2 ngoại trưởng: Sergey Lavrov (Nga) và Marco Rubio (Mỹ) tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 18/2 và không có đại diện nào từ châu Âu hay Ukraine. Trước đó, Tổng thống Trump nói ông có thể gặp lãnh đạo Nga trong tháng 2.

Cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ giữa ngoại trưởng Mỹ và Nga với mục tiêu chính tìm kiếm một giải pháp khả thi để chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng cũng đã mở ra cơ hội hợp tác giữa 2 nước.

Dù Ukraine và EU có nhiều phản đối dữ dội nhưng cuộc gặp được xem là bước ngoặt trong con đường tiến tới một giải pháp hòa bình cho khu vực, qua đó giúp Mỹ giảm gánh nặng tài chính, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga về nhiều mặt như đầu tư và năng lượng, đặc biệt xem xét triển khai dự án chung tại Bắc Cực… Trong khi Kremlin có thể sẽ bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Mỹ và Ukraine có thể có những thỏa thuận hợp tác, như thỏa thuận khoáng sản mà Washington đề xuất cuối tuần trước. EU sẽ ổn định hơn, kinh tế khu vực cũng như trên thế giới sẽ có những thay đổi lớn.

Vậy nếu cú “bắt tay” giữa ông Trump và ông Putin thành công, điều gì sẽ xảy ra với các thị trường tài chính, hàng hóa và kinh tế thế giới liệu có thay đổi gì lớn?

Nước Mỹ thời ông Trump muốn gì?

Trong những tuần đầu tiên khi ông Trump vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2, nước Mỹ đã có những thay đổi rất lớn về chính sách đối nội cũng như đối ngoại với các chính sách thuế nội địa và thuế nhập khẩu, chính sách về năng lượng… Washington đang có những dịch chuyển về chiến lược.

Nước Mỹ dưới thời ông Trump dường như đang làm một cuộc cách mạng toàn diện và tái cấu trúc quyền lực toàn cầu. Việc Mỹ đàm phán trực tiếp với Nga về Ukraine, rồi việc Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích châu Âu… có lẽ mới chỉ là dạo đầu trong chiến lược toàn cầu mới của Mỹ.

Tư duy về đối tác, đối thủ… của Mỹ có lẽ cũng đang thay đổi. Chiến lược mới này có thể sẽ khiến các quan hệ quốc tế biến động, thế giới chao đảo, các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cũng sẽ thay đổi theo, qua đó ảnh hưởng tới các thị trường tài chính và hàng hóa.

Trước mắt, Mỹ đang đẩy mạnh giải quyết vấn đề Ukraine, nhưng đi theo có thể là sự hợp tác với Nga và sau đó có thể là một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và nhiều nước.

Hiện Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn diện trên nhiều mặt trận, từ kinh tế, công nghệ đến quân sựngoại giao. Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc tập trung vào việc kiềm chế sức mạnh công nghệ và kinh tế; tăng cường hợp tác với nhiều nước khác…

TrumpPutin anhBPA.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump có thể gặp trực tiếp vào cuối tháng 2. Ảnh: BPA

Những tác động về kinh tế

Nếu Mỹ và Nga hợp tác và chấm dứt được xung đột tại Ukraine, điều này sẽ tạo ra những tác động lớn đối với kinh tế của cả 2 nước cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Với Mỹ, nếu xung đột tại Ukraine kết thúc, điều đầu tiên có thể thấy là giá dầu và khí đốt giảm do nguồn cung từ Nga trở nên ổn định hơn. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ, giảm chi phí sản xuất. 

Trước đó, ông Trump cũng đã công bố chính sách năng lượng đa dạng, thúc đẩy khai thác dầu khí, giảm quy định môi trường và mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch nhằm đảm bảo độc lập năng lượng để giảm chi phí, qua đó kiềm chế lạm phát cũng như để cân bằng khả năng giá hàng hóa tăng do cuộc chiến thương mại với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.

Nước Mỹ dưới thời ông Trump đang đẩy mạnh giảm phụ thuộc vào khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc và Nga, thông qua kỳ vọng vào các thỏa thuận khai thác với Ukraine và các nước đồng minh.

Hiện châu Âu phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế nguồn từ Nga. Nếu quan hệ Mỹ – Nga cải thiện, Mỹ có thể mất đi một phần thị phần khí đốt hóa lỏng (LNG) tại châu Âu. Bên cạnh đó, khi giá dầu và khí đốt thế giới giảm, sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Xung đột tại Ukraine nếu chấm dứt có thể giúp chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực, qua đó kích thích dòng vốn đầu tư vào Mỹ.

Với Nga, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump “bắt tay” ông Putin, hợp tác Nga – Mỹ được đẩy mạnh, một số lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng, sẽ giúp Nga tiếp cận công nghệ, tài chính và thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Đồng rúp sẽ ổn định và lạm phát được kiểm soát tốt hơn.

Khi đó, Nga cũng có thể khôi phục xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu, nhưng ngược lại vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ và Trung Đông.

Nga và Ukraine được biết đến là 2 nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Nếu xung đột chấm dứt, giá ngũ cốc có thể giảm do nguồn cung ổn định hơn. Đây cũng là 2 nước có nguồn cung lớn của nhiều kim loại quan trọng như titan, lithium, đất hiếm, nhôm, niken, palladium,… Nếu quan hệ thương mại được nối lại, giá các kim loại này có thể giảm.

Cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là lúa mì, dầu hướng dương, khí đốt và kim loại hiếm. Nếu chiến tranh kết thúc, chuỗi cung ứng sẽ ổn định hơn.

Việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt có thể giúp thương mại quốc tế tăng trưởng, đặc biệt là giữa Nga và châu Âu.

Với Trung Quốc, đây là nước hưởng lợi từ việc Nga bị trừng phạt nhờ mua năng lượng giá rẻ và mở rộng ảnh hưởng. Nếu Nga và phương Tây hợp tác trở lại, Trung Quốc có thể mất đi một số lợi thế này.

Như vậy, có thể thấy, nếu Mỹ và Nga hợp tác để chấm dứt chiến tranh, điều này giúp kinh tế toàn cầu ổn định hơn, nhưng cũng tạo ra những thay đổi lớn về cung – cầu trên thị trường năng lượng, thực phẩm và kim loại. Mỹ có thể gặp bất lợi trong xuất khẩu năng lượng và vũ khí, nhưng lạm phát sẽ giảm và ông Trump sẽ có thêm dư địa trong các cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc. Trong khi Nga có cơ hội phục hồi kinh tế nếu được nới lỏng trừng phạt.

Ông Trump ra lệnh mới rúng động toàn cầu, Việt Nam có thể ngoài ‘tâm chấn’?Tổng thống Donald Trump vừa ra lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng với toàn thế giới. Tất cả các nước đều vào “tầm ngắm”, nhất là các nước đang áp thuế cao với hàng hóa Mỹ, thặng dư thương mại với Mỹ. Vậy Việt Nam ra sao?