Đánh giá thêm độ tuổi bắt buộc phải cấp thẻ căn cước
Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, qua nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam;
Thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; người được cấp thẻ căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; cấp, quản lý căn cước điện tử.
Đối với nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, việc đổi tên thẻ sẽ bảo đảm tính bao quát hơn.
Đồng thời, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội và cũng không ảnh hưởng lớn đến các giao dịch và tâm lý người dân.
Đối với người được cấp thẻ căn cước, theo ông Lê Tấn Tới, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học. Bên cạnh đó, pháp luật về xuất nhập cảnh đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt.
Tuy thẻ căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này.
Trong dự thảo luật này, cơ quan soạn thảo sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ đối với công dân dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng thẻ căn cước gắn chip;
Về lâu dài sẽ nghiên cứu, đánh giá thêm về độ tuổi bắt buộc phải cấp thẻ căn cước để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong đẩy mạnh Chính phủ số, xã hội số.
Làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về tên dự án luật, hiện nay vẫn còn có các ý kiến khác nhau, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cần làm rõ những ưu, nhược điểm của từng phương án, để đảm bảo nhìn nhận toàn diện, khách quan, báo cáo Bộ Chính trị, tham vấn ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án luật cần làm rõ thế nào là người gốc Việt Nam, dù chọn phương án nào về tên luật, trong điều khoản về tổ chức thực hiện vẫn nên quy định cần có giấy tờ/thẻ tương tự như thẻ căn cước công dân, tạm cấp với đối tượng người gốc Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra cần phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan hữu quan một cách chặt chẽ, tích cực hơn nữa để tiếp thu đầy đủ hơn nữa ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong một số nội dung để đảm bảo thuyết phục hơn.
Quan tâm tới thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có giải trình rõ ràng về sự cần thiết của việc cung cấp các thông tin cá nhân, bao gồm thông tin về nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ hòm thư điện tử, các thông tin sinh trắc học, ảnh khuôn mặt…
Theo dự thảo luật, thông tin về ADN, giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần rà soát điều khoản ở các luật khác để đảm bảo nhất quán với nguyên tắc này.
Cùng với đó, dự thảo luật cũng có quy định, trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của cá nhân là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam thì chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Theo Chủ tịch Quốc hội quy định này đang mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện đã nêu, vì vậy cần rà soát tổng thể dự thảo luật, đảm bảo các quy định nhất quán, thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần tách biệt rõ loại thông tin bắt buộc phải thu thập để đưa vào căn cước công dân với loại thông tin công dân tự nguyện cung cấp cho cơ sở dữ liệu căn cước công dân.