Ðối mặt những thách thức lớn như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…, ngành du lịch cần có sự thay đổi trong tư duy khai thác tài nguyên để phát triển bền vững.
Mang tư duy đột phá để tiếp cận tài nguyên du lịch, trong hành trình suốt 15 năm qua kể từ khi thành lập, các chuyên gia của Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) đã không ngừng nghiên cứu để cho ra đời 35 dự án du lịch độc đáo theo hướng biến khó khăn thành cơ hội; trong đó, có nhiều dự án đã được triển khai trên thực tế, gây tiếng vang trong cộng đồng những người làm du lịch.
Tiêu biểu phải kể đến “Biến mưa, bão lụt miền trung thành sản phẩm du lịch”. Thay vì trốn chạy hay chống lại những yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất nhiều hoạt động du lịch mới lạ trong bối cảnh mưa, lụt để giúp du khách có những trải nghiệm độc đáo.
Ðó cũng là cách để du lịch có thể sống chung và tìm kiếm cơ hội từ những yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt. Khi mới công bố, dự án đã gây nhiều tranh cãi nhưng hiện nay được một số doanh nghiệp ứng dụng triển khai tại Huế và Hội An (Quảng Nam).
Mô hình “Khách sạn bóng đêm” của STDe cũng là một dự án tiết kiệm năng lượng tạo ra nhiều bất ngờ cho du khách khi xây dựng những trải nghiệm giúp khai thác giá trị, vẻ đẹp của bóng tối.
Dự án đã được trao giải thưởng cống hiến tại cuộc thi “Ý tưởng kinh tế xanh 2011” và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với ba doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart Quốc tế 2013.
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến “Gió Bạc Liêu”- dự án mang đến chuỗi sản phẩm du lịch từ những “cánh đồng điện gió” đang được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đứng ra kết nối với các doanh nghiệp du lịch triển khai vào thực tế; hay “Rơm Ðường Lâm” giúp người dân làng cổ tận dụng rơm để làm thành nhà nghỉ rơm, đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm…, giảm việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường cũng như tạo ra những hoạt động thú vị cùng rơm cho du khách.
Hiện nay, dự án đang được doanh nghiệp phối hợp người dân Ðường Lâm triển khai vào thực tế và đã hoàn thành giai đoạn một…
Sự xuất hiện cũng như tính khả thi của những dự án nêu trên đã góp phần mở ra cánh cửa mới, lối đi mới cho việc sáng tạo, phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe, những dự án du lịch được STDe nghiên cứu, xây dựng theo hướng thích ứng với biến đổi của môi trường và xã hội không chỉ làm thay đổi tư duy đã lạc hậu trong khai thác tài nguyên, mà còn tăng thêm các giá trị cho tài nguyên, từ đó thúc đẩy doanh thu du lịch, góp phần giảm tác hại tới môi trường, tạo ra giá trị lâu dài, bền vững cho kinh tế du lịch nói riêng và kinh tế liên ngành nói chung. Tuy nhiên, để đi trên con đường này không đơn giản bởi chỉ có ý tưởng sáng tạo thôi là chưa đủ. Từ thực tế nghiên cứu, triển khai các dự án du lịch mang tư duy đột phá, thách thức lớn nhất với STDe là làm thế nào để doanh nghiệp-nhân tố chính hình thành nên thị trường tiêu thụ các sản phẩm du lịch đồng hành cùng với các nghiên cứu khoa học mang tính sáng tạo bởi lâu nay họ vẫn có thói quen khai thác du lịch dựa trên nguồn tài nguyên thô. Mặt khác, các sản phẩm nghiên cứu nói chung và nghiên cứu theo tư duy đột phá nói riêng rất khó định giá, lại dễ bị đánh cắp, chưa có công cụ bảo hộ hữu hiệu cũng là những nguyên nhân cản trở việc đưa những sản phẩm nghiên cứu theo hướng này đến với thị trường.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, việc cần phải thay đổi tư duy trong tiếp cận, khai thác tài nguyên để tạo ra những sản phẩm sáng tạo chính là đòi hỏi của ngành du lịch. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, đây cũng là hướng đi tất yếu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng.
“Muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, cần phải xây dựng được một hệ thống cơ chế chính sách giúp tạo động lực để chuyển hóa ý tưởng. Lâu nay, chúng ta vẫn chưa nhắm đến thị trường này vì cho rằng đó là hoạt động sản xuất phi vật chất, chưa tạo được sản phẩm vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, khi công nghiệp sáng tạo đang ngày càng được quan tâm và khẳng định giá trị, chúng ta cần phải thay đổi tư duy về vấn đề này, có thế mới tạo được thị trường cho công nghiệp sáng tạo”, bà Bùi Thanh Thủy khẳng định.
Ðứng ở góc độ của doanh nghiệp du lịch, để tạo ra sự cân bằng giữa tư duy đột phá và tính khả thi trong triển khai sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Tiến Ðạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cần tính đến là quy mô đầu tư và sự thuận lợi khi triển khai trên thực tế; bởi có nhiều ý tưởng sáng tạo rất thú vị, hấp dẫn nhưng nếu đòi hỏi mức đầu tư quá lớn, hoặc phải phối hợp sự tham gia của nhiều bên, nhiều đối tượng nhân lực thì cũng làm chùn bước các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến khả năng mang lại doanh thu của sản phẩm được xây dựng từ ý tưởng sáng tạo. Thêm nữa, vòng đời của một sản phẩm sáng tạo thường tương đối ngắn, hôm nay là mới, nhưng mai đã thành quen thuộc, cho nên cần chú ý đến cả khả năng có thể làm mới thường xuyên, lâu dài sản phẩm. Muốn biến một ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm du lịch đột phá, cần sự cộng hưởng, tham gia của nhiều nguồn lực, từ nguồn lực nghiên cứu, sáng tạo tới nguồn lực đầu tư, doanh nghiệp triển khai, sự ủng hộ của chính quyền, người dân địa phương… Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các nguồn lực này để thúc đẩy sự ra đời của những sản phẩm du lịch sáng tạo, đủ sức làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/doi-moi-tu-duy-trong-khai-thac-tai-nguyen-du-lich-post860559.html