Hải Hà Petro tiếp tục nợ thuế “khủng”
Mới đây, tại danh sách công khai người còn nợ tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước, cái tên Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) tiếp tục được Cục Thuế tỉnh Thái Bình nhắc đến – là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với tổng số nợ trên 1.781 tỉ đồng.
Trong những năm qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu này luôn “bết bát”.
Kết thúc năm 2021, Hải Hà Petro lỗ lũy kế hơn 2.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 1.629 tỉ đồng. Các chỉ số về thanh khoản đáng báo động khi nợ ngắn hạn công ty đạt 12.804 tỉ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn với 9.290 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả đạt 13.160 tỉ đồng, cao hơn tổng tài sản với 11.531 tỉ đồng.
Bước sang năm 2022, Hải Hà Petro tiếp tục thua lỗ, đưa số lỗ lũy kế công ty tại ngày 31.12.2022 lên đến 4.576 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.122 tỉ đồng. Tình hình tài chính chưa được cải thiện khi nợ phải trả vẫn vượt xa tổng tài sản.
Không chỉ vi phạm quỹ bình ổn, doanh nghiệp còn sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp giải thể
Như Lao Động đã thông tin, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị điểm tên vì vi phạm quy định về Quỹ bình ổn xăng dầu. Tuy nhiên, khi dư luận chưa kịp lắng xuống vì quỹ bình ổn giá xăng dầu lên đến hàng trăm tỉ đồng đặt tại các doanh nghiệp chưa được trả về, thì các doanh nghiệp lại có những sai phạm trong việc mua bán hóa đơn, nợ thuế.
Theo nguồn tin của Lao Động, Công ty TNHH Trung Linh Phát không chỉ bị Bộ Tài chính điểm mặt vì vi phạm việc kết chuyển không đúng quy định quỹ bình ổn giá xăng dầu theo Nghị định 95 mà còn bị cảnh báo có rủi ro cao về thuế, sử dụng hóa đơn GTGT mua vào của các doanh nghiệp không còn hoạt động và các doanh nghiệp giải thể; hàng hóa xuất bán lòng vòng, doanh nghiệp bán hàng đồng thời là doanh nghiệp mua hàng.
Theo Cục thuế quận Tân Bình, qua rà soát, phân tích hồ sơ khai thuế; báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của người nộp thuế gửi cơ quan thuế qua hệ thống quản lý thuế tập trung; và qua rà soát việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế tại ứng dụng hóa đơn điện tử, Chi cục Thuế quận Tân Bình phát hiện Công ty TNHH Trung Linh Phát – chi nhánh TPHCM có rủi ro cao về thuế, hóa đơn.
Chi cục Thuế quận Tân Bình nhận thấy, Công ty TNHH Trung Linh Phát – chi nhánh TPHCM kinh doanh mặt hàng dầu, nhưng doanh nghiệp không có kho hàng. Doanh nghiệp này kê khai trị giá hàng hóa bán ra chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua vào. Công ty TNHH Trung Linh Phát có doanh thu và thuế GTGT đầu ra, đầu vào lớn, không phát sinh số thuế GTGT phải nộp.
Đặc biệt có sự chênh lệch giữa doanh thu kê khai thuế GTGT và doanh thu xuất hóa đơn. Sử dụng hóa đơn GTGT mua vào của các doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và các doanh nghiệp giải thể.
Công ty này cũng có tình trạng hàng hóa xuất bán lòng vòng, doanh nghiệp bán hàng, đồng thời là doanh nghiệp mua hàng. Doanh nghiệp hoạt động tại TPHCM, nhưng mua hàng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh có nguồn gốc hàng hóa tại TPHCM.
Nhằm ngăn chặn hành vi gian lận trong việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp; gian lận thuế trong kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT và hạch toán chi phí để trốn thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, Chi cục Thuế quận Tân Bình báo cáo Cục Thuế TPHCM; thông báo đến các cơ quan thuế 63 tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng có liên quan và các Chi cục Thuế quận, huyện, khu vực, TP.Thủ Đức thuộc Cục thuế TPHCM được biết, phối hợp kiểm soát các rủi ro nêu trên và xử lý theo quy định.
Trả lời Lao Động, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, đơn vị kiến nghị triển khai quyết liệt việc sử dụng hoá đơn điện tử đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi được cấp phép, tái cấp phép phải đảm bảo phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng.