Trước các thách thức mới từ thị trường toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, kịp thời có giải pháp biến khó khăn thành cơ hội.
Xuất khẩu đối diện các thách thức
Ngay đầu năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Thực tế này đang gây lo ngại có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa có thể đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn.
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với biến động của thị trường quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Trước bối cảnh này, trao đổi với Báo Công Thương, TS. Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – nêu ý kiến, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, do vậy, căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể gặp thêm các trở ngại mới, đơn cử như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá ngày một chặt chẽ hơn từ thị trường quốc tế.
TS. Tô Hoài Nam cho rằng, một trong những mặt hàng sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn trong quá trình đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường là gỗ và sản phẩm từ gỗ. Bởi gỗ và sản phẩm từ gỗ vốn là mặt hàng liên tiếp bị điều tra về gian lận xuất xứ từ đó đã bị thị trường xuất khẩu áp thuế cao. Ngoài ra, trước việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp lĩnh vực dệt may buộc phải tìm nguồn nguyên liệu từ các nước khác ngoài Trung Quốc, dẫn đến khả năng phải tăng chi phí lên 10-15% tuỳ thuộc vào một số nguyên liệu cụ thể.
Trước các thách thức đặt ra, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ghi nhận, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đã sớm nhận thức được khó khăn, sớm lên kịch bản phương án kinh doanh, trong đó có việc chuẩn bị hồ sơ để có thể nhanh chóng chứng minh được quá trình sản xuất để chủ động ứng phó trước các quy định, điều tra từ thị trường xuất khẩu. “Cơ quan chức năng cũng đã kịp thời có những cảnh báo, định hướng trước các cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu trong năm 2025 và thời gian tới đến cộng đồng doanh nghiệp”- TS. Tô Hoài Nam nói.
![]() |
TS. Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và Việt Nam |
Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu
Tuy nhiên, thời gian tới, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh, với việc tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường khai thác lợi thế này để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Theo đó, ngoài việc đảm bảo tập trung tăng trưởng vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu (EU), Mexico…, doanh nghiệp cần lên phương án tiếp cận với các thị trường khác, có thể là không hiệu quả kinh doanh chưa thể đến sớm như các thị trường lớn, nhưng sẽ giúp cân bằng xuất khẩu trên phương diện khả năng ứng phó bù đắp về doanh thu và sản lượng cao hơn.
“Khi đa dạng được thị trường, doanh nghiệp sẽ có khả năng, năng lực đối phó trước sự biến động về chính sách thương mại của các quốc gia, thị trường xuất khẩu sẽ tốt hơn; từ đó yếu tố bền vững cũng sẽ được đẩy lên, tốt hơn đối với doanh nghiệp”- TS. Tô Hoài Nam phân tích.
Ngoài ra, theo TS. Tô Hoài Nam, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ sản xuất để sản phẩm, hàng hoá của mình đạt tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng các quy định khắt khe hơn của thị trường quốc tế, kể cả các thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ.
Đồng thời, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản trị, quản lý sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí sản xuất và các chi phí khác ở mức tối đa hết sức quan. Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn chỉnh và duy trì thị phần của mình; tranh thủ tăng trưởng khi có cơ hội xuất hiện.
“Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sát sao chính sách thương mại của các quốc gia, thị trường xuất khẩu như chính sách thuế, quy định về nguồn gốc hàng hoá, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Cùng với đó là các chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại“- TS. Tô Hoài Nam cho hay.
Đặc biệt, để duy trì và giữ ổn định cho hoạt động xuất khẩu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2025, TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh, các cơ quan chức năng, Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan thương vụ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cụ thể, Bộ Công Thương cần kịp thời có các định hướng chiến lược phát triển thị trường; nhanh chống hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi thế từ các FTA đã ký kết, nhất là thị trường vừa ký kết FTA. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận, khai thác thị trường xuất khẩu; đồng hành với doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại – một trong các biện pháp, công cụ đang được nhiều quốc gia sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Tô Hoài Nam cho biết, cơ quan này sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn pháp lý, tăng cường kết nối thông tin về chính sách thương mại quốc tế, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu đến cộng đồng doanh nghiệp.
“Đặc biệt, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa, từng bước thúc đẩy số lượng các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu nội địa để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Từ đó, đáp ứng và tránh được việc bị điều tra nguồn gốc xuất xứ, áp thuế cao từ thị trường xuất khẩu” – TS. Tô Hoài Nam thông tin.
TS. Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Các biến động của chính sách thương mại toàn cầu đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nguy cơ, doanh nghiệp cần phải tìm kiếm những giải pháp để ứng phó hiệu quả. |
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-viet-nam-can-bien-kho-khan-thanh-co-hoi-372958.html