Thị trường châu Mỹ đã trở nên dễ thâm nhập hơn kể từ khi có Hiệp định CPTPP, song khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ khiến đa phần doanh nghiệp Việt vẫn e ngại tiếp cận thị trường này.
Đã qua thời khó nhưng nỗi lo vẫn còn
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 đã thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là Canada, Mexico và Peru.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, trước kia, ngành dệt may Việt Nam rất khó thâm nhập các thị trường châu Mỹ. Nhờ hiệp định CPTPP, ngành dệt may vào được thị trường này một cách dễ dàng hơn, đạt mức tăng trưởng cao tại Canada và Mexico.
“Chúng tôi đang dần thích ứng với thị trường châu Mỹ. Trước đó, chưa bao giờ sản xuất đơn đặt hàng cho một dòng sản phẩm nhỏ lẻ, nhưng giờ nhiều nhà máy sản xuất sơ mi nhận làm tới 8 triệu sản phẩm/năm từ đơn hàng lẻ, thậm chí cả veston sản xuất công nghiệp cũng nhận đơn lẻ”, ông Giang kể.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đan xen thách thức. Chủ tịch VITAS chia sẻ nỗi lo của những người đang sản xuất và xuất khẩu vào thị trường châu Mỹ.
Trước hết là áp lực lớn về tiêu chuẩn đánh giá, mỗi nhãn hàng đưa ra tiêu chuẩn riêng. Tiếp đến là rủi ro thanh toán trả chậm (có những đơn hàng bị ép phải trả chậm tới 120 ngày). Rồi những tiêu chuẩn, điều khoản rất khó liên quan tới phát triển bền vững như sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường…
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải tiếp tục đàm phán với nhà mua hàng ở châu Mỹ để hạn chế rủi ro.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), cũng cho hay ngành da giày đã tận dụng khá tốt cơ hội từ CPTPP.
Thị trường Canada vốn khá “đóng” với da giày, giờ các nhà nhập khẩu Canada đã tìm kiếm nguồn cung trực tiếp từ Việt Nam. Mặt hàng giày dép năm qua ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu lớn sang các nước châu Mỹ, đặc biệt là Canada (trên 40%), Mexico (50%).
Tuy nhiên, bà Xuân cũng nêu ra một số thách thức lớn với các công ty da giày trong nước. Điển hình, CPTPP yêu cầu rất cao về chứng nhận xuất xứ. Tính minh bạch của hệ thống chứng từ phải được nâng cấp lên rất nhiều. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu đó.
Mặt khác, với các yêu cầu về môi trường, lao động do nhãn hàng đưa ra quy định riêng, chính phủ các nước cũng có quy định bắt buộc riêng, dẫn đến tình huống cùng một yêu cầu nhưng phải nhiều lần kiểm toán nhà máy, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch LEFASO lưu ý, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội từ CPTPP để tiến vào thị trường châu Mỹ do vừa thiếu thông tin, vừa thiếu nguồn lực tiếp cận.
Tỷ trọng xuất nhập khẩu còn khiêm tốn
Khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ khiến đa phần doanh nghiệp Việt e ngại tiếp cận, chưa thực sự quan tâm thị trường châu Mỹ, nhất là một số nước châu Mỹ Latinh.
Trong khi châu Mỹ là thị trường lớn, nếu tận dụng được lợi thế các thị trường “cửa ngõ” như Canada, Peru,… doanh nghiệp Việt sẽ tăng mạnh khả năng đa dạng hóa thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định, những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đang được củng cố qua một số cam kết chiến lược, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Giá trị gia tăng của hàng Việt Nam xuất khẩu sang châu Mỹ còn thấp; tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu của các nước châu Mỹ còn hạn chế.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, thông tin thêm: Xuất nhập khẩu sang 3 nước châu Mỹ gồm Canada, Mexico, Peru mới chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong khi tiềm năng thị trường rất lớn.
“Ngay từ năm 2019, chúng ta đã đề cập tới chuyện phải tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP để tiến vào thị trường châu Mỹ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chưa dành nhiều nguồn lực cho thị trường này. Mới đây, Indonesia vừa chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP. Lợi thế của chúng ta với các nước trong khu vực ASEAN sẽ ngày càng ít đi”, ông Khanh trăn trở.
Việt Nam là thành viên thứ 7 phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Theo cơ chế luân phiên, năm 2026, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng CPTPP.
“Chúng ta đã có những mặt hàng xuất khẩu chiến lược, chủ lực sang các thị trường châu Mỹ, song thị phần còn khiêm tốn. Cần xác định doanh nghiệp/ngành nào cần thúc đẩy, xây dựng chính sách để thúc đẩy, vướng ở đâu xử lý ở đó”, ông Khanh khuyến nghị.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-viet-dung-ngai-vao-thi-truong-chau-my-2366754.html