Tờ Financial Times đưa tin, ngày 21/2, trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay một số công ty Mỹ đã thể hiện “mối quan tâm” tới việc quay trở lại thị trường Nga.
![]() |
Một cửa hàng Gucci trên đường phố ở thủ đô Moscow, Nga. (Nguồn: shoes-report.com) |
Trong những ngày vừa qua, khi Nga và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại quan hệ, ngày càng nhiều thông tin về việc các thương hiệu nước ngoài muốn quay trở lại thị trường Nga sau 3 năm phải rời đi.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, nước này và Nga, ngày 18/2 đã nhất trí giải quyết các vấn đề gây cản trở trong quan hệ Mỹ-Nga và bắt đầu xây dựng lộ trình chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu của Công ty Môi giới XTB nhận định, Tổng thống Donald Trump vẫn là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Cách ông Trump xử lý vấn đề Nga khác biệt so với truyền thống và thị trường vẫn đang tin tưởng vào cách tiếp cận này.
Đầu tháng 2, truyền thông Nga đưa tin về các kế hoạch được cho là của một số thương hiệu và công ty nước ngoài, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô, nhằm quay trở lại Nga.
Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Denis Manturov cho biết, nước này sẽ chỉ chấp nhận những công ty nước ngoài nào hoạt động trong các lĩnh vực mà nước này quan tâm, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ quan điểm rằng, Nga chỉ nên cho phép các công ty phương Tây tham gia các lĩnh vực không gây rủi ro cho nền kinh tế Nga.
Đến nay vẫn chưa có công ty nào của Mỹ xác nhận đã thực hiện bất kỳ bước đi nào để tiếp tục hoạt động tại thị trường Nga. Tuy nhiên, một số tên tuổi của phương Tây được cho là đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Trong đó, thương hiệu xa xỉ Gucci vừa được chính thức đăng ký bảo hộ tại Nga, có thể báo hiệu làn sóng các nhãn hàng lớn của phương Tây quay lại Nga.
Công ty Guccio Gucci có trụ sở tại Florence, Italy đã đăng ký thành công nhãn hiệu Gucci với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Nga Rospatent để bán nhiều loại hàng hóa khác nhau, bao gồm quần áo và phụ kiện. Theo TASS, đơn đăng ký đã được nộp vào ngày 2/6/2023 và Rospatent chấp thuận vào ngày 18/2/2025.
Gucci đăng ký kinh doanh tại Nga nhiều loại sản phẩm khác nhau như quần áo như váy, túi xách, vải, đồ lót, đồ bơi, áo khoác và mũ. Gucci cũng được phép sản xuất đồ dùng thể thao, bao gồm bao đấm bốc và đồ trang sức. Ngoài ra, nhãn hiệu này còn bao gồm đồ dùng trên bàn ăn, đồ dùng nhà bếp và mỹ phẩm.
Tập đoàn Kering của Pháp, chủ sở hữu Gucci, đã đóng cửa vô thời hạn các cửa hàng tại Nga sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Ngoài Kering, Richemont, Chanel và Prada cũng đã đóng cửa các cửa hàng tại Nga.
Vào tháng Hai, Giám đốc sáng tạo của Gucci là Sabato de Sarno đã phải rời công ty. Các nhà phân tích tin rằng Gucci đưa ra quyết định này do doanh số bán hàng của Gucci năm 2024 đã giảm 23%. Ông Hedi Slimane có thể trở thành nhà sáng tạo mới của công ty.
Trong khi đó, theo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, không chỉ Gucci, nhiều công ty Mỹ dự kiến sẽ quay lại thị trường Nga vào quý II/2025.
“Dự kiến một số công ty Mỹ sẽ sớm quay trở lại thị trường Nga, sớm nhất là vào quý II năm nay. Tuy nhiên, quá trình trở lại của các công ty Mỹ sẽ không dễ dàng, vì nhiều phân khúc thị trường đã có người thay thế”, Giám đốc RDIF, Kirill Dmitriev, cho biết.
Phó Chủ tịch Liên minh các Trung tâm mua sắm Nga Pavel Lyulin xác nhận, các cuộc đàm phán về sự trở lại hàng loạt của các thương hiệu nước ngoài bắt đầu đề cập vào cuối tuần trước. Có thể kể đến công ty Inditex, chủ các thương hiệu thời trang tầm trung Zara, Massimo Dutti, Uniqlo, PepsiCo, Coca-Cola và thậm chí cả Ford và Visa với MasterCard.
Trong đó, các thương hiệu như Zara, Bershka, Pull&Bear, Stradivarius sẽ dễ dàng quay trở lại hơn vì họ đang có các địa điểm “thừa kế” tại các trung tâm mua sắm trên khắp cả nước Nga.
Tại Hàn Quốc, có thông tin cho biết một số thương hiệu địa phương, bao gồm Samsung, LG và Hyundai, đã có kế hoạch quay trở lại Nga sau khi Moscow và Washington bắt đầu đối thoại.
Theo thống kê, sau khi rời bỏ Nga, các doanh nghiệp Mỹ đã thiệt hại hơn 300 tỉ USD, trong đó ngành công nghệ và truyền thông chịu tổn thất nặng nhất với 123 tỉ USD, tiếp theo là hàng tiêu dùng và y tế (94 tỉ USD), tài chính (71 tỉ USD) và năng lượng (10 tỉ USD).
Nguồn: https://baoquocte.vn/doanh-nghiep-phuong-tay-nong-long-quay-tro-lai-thi-truong-nga-diem-danh-nhung-cai-ten-dau-tien-305214.html