DNVN – Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới. Đồng thời, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, sáng ngày 10/2, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Hiện có 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế – xã hội.
Trong năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá. Điển hình như việc sửa đổi các luật về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tài chính. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Thủ tướng đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, trước mắt là 12 dự án tại TP Hồ Chí Minh và 5 dự án tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế nhằm kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình, ông Dũng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Cụ thể là thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cần khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Quyết quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.
Cần xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả quỹ hỗ trợ đầu tư. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”. Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế. Cùng đó, phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/doanh-nghiep-lon-can-phat-huy-vai-tro-dan-dau/20250210102453460