SGGP
Trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Techconnect & Innovation Vietnam 2023, tại tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra hội thảo “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững”.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chuyển đổi số không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới. Với chuyển đổi xanh, không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường; mà còn là thay đổi cả quy trình sản xuất – kinh doanh, hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động; đồng thời giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/HG |
Theo GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là sự kết hợp tối ưu trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao.
GS-TS Nguyễn Văn Phước nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải. Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, do đó cần có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy.
Trao các Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững. Ảnh: VGP/HG |
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Quản lý chương trình Công trình xanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Thái Lan thuộc Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho biết, IFC đã hỗ trợ cho nhiều dự án, trong đó cho vay 76 tỷ USD đối với công trình xanh. Tại Việt Nam, năm vừa qua, IFC đã cho vay được 300 triệu USD, góp phần giúp Việt Nam mở rộng thị trường công trình xanh đa dạng công trình hơn từ nhà kho, nhà xưởng, trường học, bệnh viện tới các công trình thương mại, thậm chí nhà ở cho người thu nhập thấp đều có thể được đánh giá xanh và cho vay ưu đãi. Các doanh nghiệp chuyển đổi xanh đang được hỗ trợ lớn, có nhiều cơ hội nên doanh nghiệp nào dám đi đầu chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.