Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp bất động sản
Như Thanh Niên đã đưa tin về báo cáo thực trạng “sức khỏe” thị trường bất động sản Việt Nam do VARS công bố, đáng chú là vấn đề chỉ còn 30 – 40% môi giới bất động sản làm việc do các chủ đầu tư, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, thị trường trầm lắng.
Đến giữa quý 2, dù được Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế cho giãn, hoãn nợ nhưng các giải pháp thời gian qua vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để các tồn tại.
VARS nhận định, các chính sách giãn, hoãn nợ như Nghị định 08 về trái phiếu, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước… mới chỉ tác động giúp các doanh nghiệp cầm chừng với các khó khăn; thay vì “đóng băng” thì kéo dài hơn tình trạng thoi thóp.
Báo cáo của VARS nêu, lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022, giảm nhẹ vào đầu năm 2023 nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến các doanh nghiệp bất động sản “sức khỏe” đã yếu lại càng suy giảm hơn.
Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng thiếu vốn sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Trong khi đó, doanh thu sụt giảm mà doanh nghiệp vẫn phải gồng mình gánh nhiều khoản chi phí. Việc huy động vốn tín dụng vẫn khó khăn, hầu hết các ngân hàng vẫn siết chặt các điều kiện cho vay nên đa số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nợ cũ rơi vào nhóm đối tượng cho giãn, hoãn. Tín dụng vào bất động sản vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, kênh huy động vốn qua trái phiếu cũng bị kiểm soát chặt.
Doanh nghiệp cần “thuốc đặc trị”
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, “doanh nghiệp hiện nay cần thuốc đặc trị bệnh là dự án được phê duyệt sớm, là tiền thật để phục hồi hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh chứ không chỉ là chuyển nợ xấu ở thời điểm này sang thời điểm khác. Thời gian qua, doanh nghiệp không được cho “thuốc chữa bệnh” mà chỉ được phát một số “thực phẩm chức năng” thì bản chất bệnh cũng không thể hết mà chỉ cầm cự kéo dài thêm”, ông Đính ví von.
Theo Chủ tịch VARS, tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt các ngành nghề liên quan khác. Nếu không sớm có được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải chứng kiến sự rời bỏ của nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ đầu tư, môi giới bất động sản…
Về giải pháp, ông Đính cho rằng, cần rà soát, phân loại từng doanh nghiệp để có “thuốc đặc trị” riêng. Cụ thể, trường hợp với các doanh nghiệp còn lực, có dấu hiệu sinh tồn thì cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này cần lưu ý đến các doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng với thị trường.
Trường hợp đối với nhóm doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án thì cần tổ chức xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích kết nối với các chủ đầu tư khác để liên doanh liên kết hoặc mua bán sáp nhập.
Trường hợp các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc nhưng không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, thực hiện mua lại các dự án rồi cho đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư mới sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý.
“Song song với việc phân loại xử lý các trường hợp trên, cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc chung của thị trường bằng các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể, đúng nhu cầu thị trường đang trông đợi, tiếp tục giãn thời gian nộp thuế…”, ông Đính nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Đính khuyến nghị, trong giai đoạn khó khăn cần tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh, cắt giảm chi phí, phát triển nguồn hàng mới, khách hàng mới, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới thông qua liên doanh liên kết, mua bán sáp nhập…