Sáng ngày 22/01/2025, nhân dịp Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ làm Trưởng đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại (giai đoạn 11/1947 – 4/1963).
Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc với những cống hiến to lớn đối với ngành Nội vụ trước anh linh cố Bộ trưởng Phan Kế Toại – Nhân sĩ trí thức, Khâm sai đại thần trong Chính phủ Trần Trọng Kim.
Cụ Phan Kế Toại sinh năm 1892 trong một gia đình quan lại. Cụ học chữ nho từ nhỏ, lớn lên ra Hà Nội học trong một trường Tây, sau đó vào học trường Hậu Bổ; từ năm 1911 đến năm 1914, cụ được chính quyền bảo hộ Pháp trao học bổng du học tại Trường Hành chính thuộc địa Paris. Thời gian này cụ may mắn được gặp Nguyễn Ái Quốc. Ý tưởng giúp dân, cứu nước của Chủ tịch Hồ Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng lớn đến con đường học hành và sự nghiệp của cụ Phan Kế Toại sau này.
Năm 1914, Cụ về nước, được bổ nhiệm giữ chức Tổng đốc nhiều tỉnh, được Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức “Khâm sai đại thần” Bắc Kỳ. Ở đâu, làm gì Cụ luôn lấy chữ “liêm chính”, “an dân”, “đạo nghĩa nhân” làm gốc. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cụ từ chức “Khâm sai đại thần”, từ bỏ quan trường, bổng lộc đứng về phía Việt Minh – Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.
Ngày 09/11/1947 tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ nhất trí cử cụ Phan Kế Toại giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ lúc này là một trong các bộ quan trọng của Chính phủ, được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tin tưởng giao phụ trách nhiều lĩnh vực công tác: hành chính, pháp chế, xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, công tác thông tin tuyên truyền, công tác tản cư, Hoa kiều, vấn đề hàng binh và trại giam. Đó là những lĩnh vực công tác có tính chất Nội vụ, nội trị quốc gia. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại đã nhanh chóng đề ra các giải pháp cải tiến, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Bộ, nhờ đó Bộ Nội vụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ và Hồ Chủ tịch giao.
Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại còn tích cực tham gia trong Hội đồng Quốc phòng tối cao. Hội đồng Quốc phòng tối cao có nhiệm vụ đặc biệt là nghiên cứu kế hoạch kháng chiến toàn diện, đệ trình Chính phủ duyệt y và thực hiện kế hoạch đó.
Sau hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955, tại Kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kiện toàn Chính phủ. Cụ Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ giữ trọng trách này cho đến tháng 4/1964.
Có thể nói, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 11/1947 đến tháng 4/1963, cụ Phan Kế Toại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ Nội vụ ngày một vững mạnh, xứng đáng là một trụ cột trong cơ cấu Chính phủ, tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng có tính chất nội trị của quốc gia. Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục hai nhiệm kỳ, phụ trách các lĩnh vực công tác nội vụ, nội chính, Cụ đã tích cực tham mưu trong các hoạt động của Chính phủ. Với kiến thức được đào tạo bài bản, hệ thống, trí tuệ uyên thâm, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, với đức độ và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Cụ đã tham mưu giúp Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền hành chính và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tích cực vào việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử do Đảng và Nhân dân giao phó.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56818