Thị trường chứng khoán đã có chuỗi giảm điểm 4 tuần liên tiếp sau khi rời khỏi vùng 1.300 điểm. Đáng chú ý, VN-Index mất chưa tới 100 điểm nhưng một loạt cổ phiếu đã giảm mạnh từ 20-30%, thậm chí 40-50% gây lo lắng cho nhà đầu tư.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/8, VN-Index mất gần 50 điểm, lùi sâu về 1.188 điểm. Trong 24 năm kể từ khi chính thức hoạt động đến nay, thị trường chứng khoán đã có 10 nhiều lần chạm mốc 1.200 điểm nhưng không thể tiến xa hơn.
Nếu so về quy mô giao dịch, giá trị giao dịch, số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn, trong nhiều năm qua đã có những sự bứt phá nhưng riêng điểm số của VN-Index lại là “nỗi buồn” của nhà đầu tư.
Loạt nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh
Tại Talkshow “Vì sao chứng khoán mãi loay hoay vùng 1.200 điểm?”, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, biến động thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây bị tác động bởi yếu tố vĩ mô trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng chính trị ở Trung Đông dấy lên lo ngại những cuộc chiến tranh nếu nổ ra ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, hiện đang có sự đồng pha giữa thị trường chứng khoán, bitcoins, giá vàng đều giảm đã tạo ra sự hoảng loạn, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, việc thị trường đi xuống không hẳn do thị trường xấu mà do quá lạc quan trong hồi đầu năm, trong khi doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhà đầu tư cá nhân vẫn kẹt tiền ở bất động sản, khối ngoại rút ròng trên 2 tỷ USD.
Nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng kinh tế vĩ mô trong nước ổn, nhưng theo ông Hiển chỉ ổn ở mức không sụp thị trường. Đến tháng 6/2024 thì chứng khoán là kênh đầu tư siêu lợi nhuận với mức sinh lời khoảng 11%, vì vậy đến tháng 8 thì thị trường đi xuống chỉ là sự điều chỉnh.
Còn ông Đinh Minh Trí – Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân CTCK Mirae Asset cho hay, đợt điều chỉnh này diễn ra chủ yếu ở các cổ phiếu có kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Theo thống kê của ông Trí, từ năm 2018 đến giờ, trong 1 năm thường có 2-3 đợt điều chỉnh. Trừ năm 2019 là có 2 đợt sóng giảm nhẹ, còn lại đều điều chỉnh khoảng 100 điểm, thậm chí có đợt điều chỉnh lên đến 300 điểm. Hiện thị trường đang trong đợt sóng điều chỉnh thứ 2 nên sẽ dao động trong khoảng 150 điểm.
Vì sao chứng khoán vẫn chưa bứt phá?
Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, theo lý thuyết thì không có nhà đầu tư nào đánh bại được thị trường, rất khó để nhà đầu tư có tỉ suất sinh lời lớn hơn thị trường.
Thực tế, thị trường dễ xảy ra hiện tưởng xanh vỏ đỏ lòng vì cổ phiếu trụ chiếm đa số và chi phối thị trường. Chính vì vậy, ông Huân kiến nghị ngoài danh mục VN30, cần phân loại những cổ phiếu penny, mid-cap để dễ đánh giá thị trường chung.
“Nhìn chung, sản phẩm trên thị trường tốt nhưng chưa nhiều. Chất lượng hàng hoá chưa tương xứng với sự phát triển và tiềm năng kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết cần cải thiện nội lực, nếu nội lực chưa tương xứng rất khó lên 1.500 hay 1.800 điểm theo kỳ vọng”, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho hay.
Gỡ “nút thắt” giúp chỉ số đi lên
TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, thị trường chứng khoán đang đi từng bước, có những bước chậm nhưng cũng dần phát triển. Tuy nhiên, mỗi lần thị trường xấu nhà đầu tư thường “đổ thừa” do hành lang pháp lý chưa đủ, mà quên rằng chính sách, vĩ mô rất chặt.
“Giải pháp lúc nào cũng thiếu, nhưng trước mắt chưa cần giải pháp mới mà phải làm đúng từ trên xuống dưới mới quan trọng”, ông Hiển nhìn nhận.
Đưa ra lời khuyên đến nhà đầu tư nghiệp dư, ông Hiển cho biết nên quan sát và hiểu về ngành, công ty mình đầu tư. Việc quan sát giúp bản thân không bị ảnh hưởng tâm lý theo thị trường, ví dụ như việc chỉ số đi xuống sẽ coi đây là cơ hội mua vào, chỉ số đi lên là dịp để bán ra.
Trong ngắn hạn, ông Hiển cho rằng từ nay đến cuối năm có thể thắng vài nhịp lướt sóng, nhưng trong trung hạn thì phải cẩn thận bởi bất ổn thế giới có thể tác động. Nhà đầu tư cần linh hoạt, không nên chỉ đánh theo sóng ngắn hạn khiến rủi ro lớn. Mà nên bình tĩnh đầu tư lâu dài, nếu quan sát cẩn trọng sẽ bảo toàn được khoản đầu tư của mình và tỉ lệ sinh lời sẽ cao hơn.
Theo dự báo của ông Hiển, thị trường chứng khoán kết thúc năm 2024 ở mức 1.250 điểm là hợp lý, dù việc tăng điểm là tốt nhưng dường như chỉ dừng ở kỳ vọng.
Những yếu tố làm VN-Index khó tăng là dấu hỏi lợi nhuận ngành ngân hàng (bị tác động bởi nợ xấu), doanh nghiệp bất động sản khó có thể phục hồi ngay, còn ngành xuất khẩu được kỳ vọng nhưng không cao.
Trong khi đó ngành tiêu dùng thiết yếu bắt đầu qua thời kỳ khó khăn, nên có thể đầu tư, thế nhưng tỉ trọng ngành này trên thị trường không cao nên khó có thể tác động đến chỉ số.
Dưới góc nhìn của ông Huân, một số nhà đầu tư cũng nên thay đổi việc nhìn nhận thị trường chứng khoán như một canh bạc, thắng thì lời nhiều nhưng thua thì mất vốn. Điều này sẽ khiến thị trường không phát triển bền vững.
Ông Huân quan sát trên thị trường cũng có nhiều sai phạm liên quan đến việc lập báo cáo tài chính, ngay cả báo cáo tài chính kiểm toán, trong đó có một số sai phạm lớn đã được xử lý hình sự. Điều này thể hiện sự mờ nhạt của công ty kiểm toán, vì vậy thời gian tới cần quy định chặt chẽ, nâng cao vai trò của công ty kiểm toán, tăng cường tính minh bạch cho thị trường giúp nhà đầu tư có niềm tin. Bởi trên thực tế, thị trường sinh ra bởi niềm tin, chết đi bởi sự sợ hãi.
Để dự báo thời gian tới thị trường tăng hay giảm rất khó vì quá nhiều biến số, nhưng nhà đầu tư cần chú ý những biến động từ giờ đến cuối năm, đơn cử như chiến tranh và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hơn nữa, nhiều khả năng thị trường chứng khoán bị cạnh tranh, đặc biệt là với thị trường bất động sản khi các Luật Bất động sản đi vào.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chung-khoan-mai-loay-hoay-vung-1200-diem-thi-truong-khong-xau-do-nha-dau-tu-qua-lac-quan-204240806120655627.htm