Thị Ngọc Yến, Vũ Ngọc Lan Anh là hai bé gái trong vụ việc hy hữu bệnh viện trao nhầm con ở Bình Phước năm 2016 từng gây xôn xao dư luận. Sau gần 10 năm, hai cô bé lại có một cái kết yêu thương chung mái ấm gia đình.
Vụ trao nhầm con kỳ lạ này xảy ra năm 2013, khi chị Nguyễn Thị Thu Trang (mẹ ruột bé Lan Anh) và chị Thị Liên (mẹ ruột bé Ngọc Yến) sinh con cùng phòng tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Anh VŨ ĐÌNH KHIÊN
Vụ trao nhầm con ở Bình Phước gây xôn xao cả nước
Chị Trang và chị Liên sinh con cách nhau 15 phút. Khi bệnh viện trao nhầm bé Ngọc Yến về nuôi chín tháng, anh Vũ Đình Khiên (chồng chị Trang) sinh nghi vì không thấy nét giống ba mẹ. Sau đó anh bỏ hết công việc đi tìm kiếm người phụ nữ sinh cùng phòng với vợ mình năm nào.
Mãi đến năm 2016, ba ruột chị Trang trong lần đi bán bánh mì ở sóc kế bên bất ngờ thấy chị Liên bế một bé gái rất giống anh Khiên nên nghi ngờ, đưa cả gia đình vào xem.
Anh Khiên xét nghiệm ADN thì phát hiện Ngọc Yến không cùng huyết thống. Sau khi nhận khiếu nại, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo.
Ngày 25-7-2016, hai bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau ba năm bị trao nhầm con ở Bình Phước. Bé Ngọc Yến về lại với mẹ Liên, còn bé Lan Anh được về trong vòng tay cha mẹ là anh Khiên – chị Trang. Nhưng rồi sau đó, như số phận, hai cô bé lại về chung một mái ấm gia đình…
Hai đứa trẻ lớn lên cùng nhau
Trước ngôi nhà nhỏ gia đình năm người, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (35 tuổi, mẹ ruột Lan Anh) lụi cụi cạo hạt điều kiếm sống khi chưa có đám cưới mời chị đi hát. Còn hai chị em Ngọc Yến, Lan Anh đang chăm chỉ bên bàn học.
Nhìn thoáng qua rất dễ lầm tưởng Ngọc Yến là chị bởi cô bé bụ bẫm hơn Lan Anh nhiều, nhưng Lan Anh mới là chị vì sinh trước Ngọc Yến 15 phút.
Hai cô gái nhỏ với hai tính cách và hai dòng máu khác nhau đã trải qua hành trình rất đặc biệt.
Sự rụt rè của Lan Anh phần nào chứng minh những mất mát tình cảm lúc nhỏ.
Còn với Ngọc Yến, cô gái có phần mạnh dạn hơn vì đã quen với ngôi nhà, uống dòng sữa của mẹ Trang từ khi lọt lòng. Đó là lý do sau này chị Trang cùng chồng là anh Khiên quyết định nhận nuôi cả Ngọc Yến.
“Thời điểm bệnh viện hoàn tất các thủ tục trả hai con về nhà ba mẹ ruột, Ngọc Yến sống với tôi đã quen, vào trong sóc của mẹ Liên thì khóc liên tục, luôn đòi về nhà ba mẹ ngoài này.
Có ngày cứ ăn cơm xong, con ra ôm cây cột nhà tới tối và đòi về vì sợ người lạ trong đó”, chị Trang chia sẻ.
Ở ngoài này, câu chuyện của Lan Anh cũng chẳng thuận lợi hơn. Ba năm sống trong sóc với mẹ Liên, cô bé đã quen những món ăn dân dã như lá nhiếp, trứng chấm nước tương, canh thụt… Ra đây, dù ba mẹ ruột mua nhiều món ngon cô bé cũng chẳng thích.
Lan Anh ban đầu còn e dè trước mẹ ruột, cứ víu lấy ba Khiên cả ngày, được một lúc lại đòi chở về trong sóc. Xót con, hai người mẹ quyết định cho hai con sống ở mỗi nhà một tuần. “Ban đầu hai đứa hết khóc, ai ngờ đâu tới ngày thứ năm khóc lại, đòi về. Sau khi ly hôn với ba ruột Ngọc Yến, chị Liên có gia đình mới, phải đi làm xa. Thấy vậy, tôi bàn với chị cho Ngọc Yến ra đây ở chung luôn”, chị Trang nhớ lại.
Điều chị Trang, anh Khiên lo lắng thời điểm đó là làm sao để Ngọc Yến và Lan Anh hạnh phúc sống chung một gia đình. “Một đứa không phải con ruột nhưng uống dòng sữa của tôi, được gia đình chăm bẵm ba năm đầu đời. Đứa còn lại sống ở nhà một người mẹ khác. Lúc đó vợ chồng vất vả lắm mới gắn kết được hai chị em”, chị Trang nói thêm.
Để tình chị em thêm khắng khít, anh Khiên cho Lan Anh và Ngọc Yến ngủ chung, rồi xin cô giáo cho học cùng lớp và cùng ngồi học bài để chỉ nhau. Đến nay ranh giới đã không còn, hai chị em đã bước vào lớp 6 trong tình yêu thương vô bờ từ mẹ Trang, ba Khiên.
Dùng tình thương cha mẹ để đi qua vất vả
Giữa trưa, anh Khiên vừa đi làm về, chị em Ngọc Yến và Lan Anh ùa ra đón ba. Chị Trang nói ở nhà hai đứa sợ mẹ, còn anh Khiên chiều con gái hết mình nên đứa nào cũng đeo ba.
Người đàn ông với hành trình tìm con vất vả hơn 10 năm trước vẫn không quên cảm giác lần đầu gặp Lan Anh trong chỗ mẹ Liên: “Ông ngoại đi bán dạo tình cờ gặp đứa trẻ giống con mình, cả gia đình liền chạy vô vì trước đó tôi cũng ngờ ngợ Ngọc Yến chẳng giống ai trong gia đình. Vừa nhìn, linh cảm của người cha cho tôi biết đó chính là con gái mình. Đến khi kết quả ADN củng cố sự thật ấy, cả gia đình vỡ òa cảm xúc”.
Từ khi nhận nuôi cả Ngọc Yến, anh Khiên cho biết mọi thứ khó khăn hơn trước. “Tôi chưa bao giờ than vãn với con gì hết. Vất vả mấy vợ chồng cũng gắng vượt qua để nhìn thấy nụ cười hồn nhiên trên môi hai con”, anh Khiên chia sẻ.
Sau sự việc, nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào để hai đứa trẻ ngây thơ không bị tổn thương. Vợ chồng chị Trang cho biết đang dùng tình yêu thương của người làm cha, làm mẹ bù đắp.
Ngoài Ngọc Yến và Lan Anh, cô con gái lớn tên Phương chính là sợi dây liên kết tình cảm cho hai em gái. Lan Anh sợ chị nhất, bởi mỗi lần bị điểm thấp hay không phụ giúp ba mẹ, chị Phương sẽ “thị uy” ngay.
Phương học lớp 9, thường chỉ bài cho hai em. Cô chị lớn nhận xét Ngọc Yến học giỏi toán, tư duy tốt. Còn Lan Anh giỏi văn, đúng với vẻ ngoài đầy tâm tư của cô bé. Chỉ bàn học của con, anh Khiên nói rất nhiều thứ ba chị em dùng chung, như bộ cầu lông để học thể dục, Ngọc Yến học xong thì đến Lan Anh, xong lại đến chị lớn Phương. Hay chiếc laptop cũ cũng ba chị em dùng chung.
“Con vui vì có 2 người mẹ”
Trải qua nhiều trắc trở, anh Khiên đã rèn con mình sự kiên cường nhất định, năm nay vợ chồng anh quyết định tách lớp hai đứa ra để xem khi học khác buổi thì Ngọc Yến và Lan Anh có thể tự một mình nấu cơm, làm đồ ăn và đến trường được hay không.
“Mọi thứ đang rất tốt, hai con đều có thể tự làm hết. Có hôm vợ chồng đi làm về khuya, ba cô con gái ở nhà còn chuẩn bị đồ ăn sẵn cho ba mẹ”, anh Khiên tự hào nói. Lan Anh khoe còn biết cạo hạt điều phụ mẹ. “Dạ cạo phụ mẹ vì thấy mẹ vất vả quá, mẹ ngồi một chút là mỏi lưng hà”, cô bé ngây thơ nói.
Thỉnh thoảng khi mẹ Liên đi làm xa về, Lan Anh lại kêu ba Khiên chở vào thăm mẹ. Người mẹ không cùng máu mủ nhưng đã ẵm bồng, nuôi nấng bé hồi nhỏ. Dù chỉ sống trong sóc ba năm, cô gái nhỏ cho biết mình còn nhớ đường về, còn có nhiều bạn bè trong đó. “Tại ba mẹ không cho con đi một mình, chứ sau này lớn con vẫn nhớ đường về thăm mẹ Liên”, Lan Anh nói.
Đợt Tết vừa rồi, mẹ Liên làm công nhân ở xa về cũng tranh thủ ghé nhà, chở hai chị em Lan Anh và Ngọc Yến đi sắm đồ mới. Khi hỏi được mấy bộ, Lan Anh thẹn thùng trả lời chỉ có một bộ, cô gái nhỏ đã sớm hiểu chuyện khi giải thích mẹ Liên làm không được nhiều tiền, phải lo hai em trong kia nữa nên mua ít.
Còn Ngọc Yến thì líu lo: “Con vui vì có tới hai người mẹ, mấy bạn khác có một hà nên đâu được thương nhiều bằng con”.
“Vậy sau này lớn, Ngọc Yến suy nghĩ chững chạc hơn, muốn về ở với mẹ ruột thì sao?” – một người hàng xóm hỏi. “À, tốt cho con thôi, nếu con suy nghĩ được như vậy thì vợ chồng tôi cũng mừng. Ngọc Yến đã lớn, khi đó chúng tôi tôn trọng quyết định của con” – chị Trang trầm tư một lúc trước khi trả lời câu hỏi rồi dụi khóe mắt đỏ hoe.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-bien-bat-ngo-cua-cau-chuyen-2-be-bi-trao-nham-o-binh-phuoc-gan-10-nam-truoc-20250212223538045.htm