Để hiện thực hóa định hướng trên, thời gian qua, nhiều ý tưởng về quy hoạch khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng đã được đưa ra nhằm bổ sung các không gian công cộng, khai thác tốt các yếu tố văn hóa, cảnh quan; bảo đảm các vấn đề về thoát lũ và tôn trọng phát triển sinh thái tự nhiên.
Phát triển đô thị hài hòa hai bên sông
Với diện tích khoảng 23ha, bãi giữa sông Hồng là một không gian xanh rộng lớn thuộc địa giới quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên. Vừa qua, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt.
Tại hai quy hoạch này, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục không gian quan trọng trong phát triển Thủ đô, với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm của TP, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Đồng thời, Điều 17 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện Quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch…
Theo các chuyên gia, định hướng trong quy hoạch và quy định trong Luật Thủ đô thực sự là điểm tựa để đưa sông Hồng trở thành điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai. Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả Thủ đô Hà Nội về phía Bắc, phía Đông, phía Đông Bắc cũng như phía Nam của Thủ đô.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa, triển lãm nghệ thuật của người dân Thủ đô.
Việc tạo dựng các công viên giải trí, văn hóa là một phần quan trọng và không thể thiếu tại các TP lớn, khu đô thị hay những khu dân cư đông đúc. Điều này còn hạn chế vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử.
Nhiều ý tưởng sáng tạo
Dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng do 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ tổ chức giúp tìm ra những nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết đóng góp cho TP Hà Nội trong việc phát triển quỹ đất, khai thác đa dạng khu vực bãi nổi giữa và bãi ven. Qua đó, góp sức vào lộ trình hiện thực hóa quy hoạch trục cảnh quan trung tâm sông Hồng.
Tham gia cuộc thi, phương án “Công viên Quai vạc xanh” có sự cân chắc kỹ lưỡng về sự luân chuyển trong hệ sinh thái; những biến đổi của thiên nhiên, đặc biệt là ảnh hưởng của mực nước sông Hồng. Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, KTS Nguyễn Đức Trung cho biết: “Qua đợt bão Yagi, chúng ta có thể thấy Hà Nội rất cần thêm các không gian xanh ở khu vực sông Hồng. Với dự án, chúng tôi đã tính toán tất cả yếu tố công trình, hạng mục hạ tầng đến cấp độ lũ số 2, tương đương mực nước là 11,5m”.
Trong khi đó, đại diện Liên danh Green Lungs Hanoi chia sẻ: “Trong phương án chúng tôi đưa ra toàn bộ khu vực bãi giữa sông Hồng có địa hình thấp chỉ sử dụng để trồng hoa màu, canh tác nông nghiệp và kiến trúc nhà sàn 2 tầng. Tầng 1 là không gian mở, sử dụng khi không có lũ, tầng 2 là không gian kín có thể sử dụng để ở hoặc cất trữ đồ đạc khi có lũ”.
Đề cập đến quy hoạch trục sông Hồng, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, gần 30 phương án dự thi được nghiên cứu công phu đến từ các đơn vị thiết kế uy tín, liên danh trong nước và quốc tế. Điều đó cho thấy sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đối với khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Nhiều phương án đưa ra ý tưởng độc đáo, đáp ứng mong muốn của TP Hà Nội về việc bổ sung các không gian công cộng, khai thác tốt các yếu tố văn hóa, cảnh quan; bảo đảm các vấn đề về thoát lũ và tôn trọng phát triển sinh thái tự nhiên.
Cũng theo KTS Phan Đăng Sơn, mô hình công viên văn hóa sẽ phù hợp khi triển khai quy hoạch bãi giữa sông Hồng và nhất là đặt trong không gian chung của sông Hồng giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Công viên lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền, hình thành các tuyến không gian văn hóa kết nối với di sản hai bên bờ và toàn tuyến hành lang xanh sông Hồng.
TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên và TS.KTS Nguyễn Thu Hương – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng chia sẻ, công viên bãi giữa sông Hồng có thể được tổ chức theo mô hình công viên chuyên đề du lịch sinh thái. TP cần phát huy tiềm năng chủ đạo về cảnh quan và môi trường sinh thái đặc hữu để hình thành công viên sinh thái gắn với việc phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm sinh thái, bãi cát, mặt nước… Công viên sinh thái kết hợp với di sản cầu Long Biên trở thành cảnh quan sinh thái văn hóa ngoạn mục của Thủ đô, các hoạt động du lịch có thể khai thác như dã ngoại, khám phá, trải nghiệm sinh thái, cắm trại, bơi thuyền.
Khoản 2, Điều 14, Luật Thủ đô chỉ rõ: tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất;
Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-khong-gian-bai-giua-song-hong-diem-nhan-cua-do-thi-trong-tuong-lai.html