Hong Sun Hiện điều hành một doanh nghiệp riêng với 500 lao động, chuyên về xuất khẩu nông sản Việt. Thành công nhiều, thất bại cũng không thiếu khi làm ăn ở Việt Nam.
Ở trên, ông có nói là cộng đồng người Hàn ở Việt Nam đã tham gia giải cứu nông sản cho nông dân, việc đó diễn ra như thế nào?
– Cộng đồng chúng tôi đã mua những loại hoa quả mà nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng do không xuất khẩu được, như dưa hấu, thanh long, mít, sầu riêng… Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng nhất loạt tăng cường mua nông sản để tặng cho công nhân viên trong công ty, để tiêu dùng, để sử dụng trong bữa ăn ở nhà máy. Samsung một ngày có 300.000 suất ăn, số lượng dưa hấu sử dụng rất lớn. POSCO cũng vậy. Các công ty nhỏ thì mua để tặng nhân viên trong công ty. Chúng tôi chưa thống kê được nhưng đó là con số khá lớn.
Có dịp sang Hàn Quốc, chúng tôi quan sát thấy các siêu thị Hàn Quốc có rất nhiều nông sản từ khắp nơi trên thế giới, riêng từ Đông Nam Á nào chuối Phillippines, gạo Thái Lan, dầu cọ Malaysia… nhưng rất ít nông sản Việt. Theo ông, làm thế nào để nông sản VN vào thị trường Hàn Quốc nhiều hơn?
– Nông sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng phải thừa nhận với thực trạng hiện tại, nông sản Việt rất khó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Ngành nông nghiệp phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới tăng sức cạnh tranh. Thái Lan, Philippines họ có những nông trại lớn, có dây chuyền chế biến, phân loại, đóng gói hoàn chỉnh, như một ngành công nghiệp.
Nhiều công ty lớn trên thế giới đầu tư vào các nước này để trồng, chế biến, chuyên chở, tiêu thụ nông sản, thị trường thì có sẵn rồi. Công tác làm thương hiệu của họ rất bài bản. Nhưng Việt Nam chưa có những thương hiệu nông sản mạnh. Xoài Việt Nam chẳng hạn, có rất nhiều loại xoài ngon, nhưng lại chưa có một thương hiệu xoài Việt Nam nổi bật để khách hàng nhớ tới.
Cần có những chợ đầu mối quy mô lớn, tập trung bao giá, phân loại, chiếu xạ, đóng gói. Việt Nam ít chiếu xạ nông sản trong khi để sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ cần chiếu xạ. Nông dân bán hàng thì rẻ, nhưng chi phí chiếu xạ, đóng gói, vận chuyển rất đắt tiền, cần phải làm ăn tập trung.
Ngoài ra, cũng không thể không nói đến một câu chuyện buồn: Có một số ít cá nhân, công ty ở Việt Nam nói thẳng ra là lừa đảo, họ quảng bá giới thiệu trên mạng, người mua gửi tiền nhưng họ không gửi hàng. Tình trạng đó không thường xuyên nhưng đã xảy ra một lần thì làm mất uy tín hoàn toàn sản phẩm và con người Việt Nam với khách hàng. Nhà nhập khẩu bị một lần lừa đảo thì họ không làm việc lại nữa, họ sẽ sợ, không còn tin tưởng nữa. Chính quyền phải xử lý triệt để những kẻ gây ảnh hưởng xấu như vậy.