Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ sự lạc quan về việc Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trị giá 100 tỷ USD vào năm 2030.
Tại sự kiện Bharat Tex 2025 – Hội chợ hàng dệt may lớn nhất Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, hiện Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ sáu trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hiện tại đạt 35 tỷ USD. Mục tiêu trong tương lai của nước này là tăng gấp ba con số trên và đạt kim ngạch xuất khẩu trị giá 100 tỷ USD vào năm 2030.
Thủ tướng Modi nhấn mạnh sự hỗ trợ của chính phủ thông qua các sáng kiến như: Nhiệm vụ vì Năng suất Bông (Cotton Mission) đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành dệt may trong nước. Ông lạc quan rằng, với sự nhiệt huyết và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan, mục tiêu trên có thể đạt được sớm hơn dự kiến.
Thủ tướng Ấn Độ cho biết, trong vòng một thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may của Ấn Độ đã tăng gấp đôi, điều này phản ánh chính sách nhất quán và sự nỗ lực không ngừng của đất nước.
![]() |
Ấn Độ đang hướng đến sản xuất sợi carbon chất lượng cao – Nguồn: Economictimes |
Ông Modi cũng khen ngợi sự phát triển mạnh của triển lãm Bharat Tex, được tổ chức tại New Delhi từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 2. Đây là sự kiện lớn nhất của ngành, giới thiệu toàn bộ hệ sinh thái dệt may. Ông cho rằng sự kiện này đang trở thành nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác giữa các nhà hoạch định chính sách, giám đốc điều hành và lãnh đạo ngành dệt may toàn cầu.
Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng đang thực hiện các sáng kiến lớn như “Nhiệm vụ vì Năng suất Bông” nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong nghề trồng bông, mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân.
Thủ tướng Narendra Modi lưu ý rằng, Ấn Độ đang hướng đến sản xuất sợi carbon chất lượng cao cũng như nỗ lực tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cao cho ngành dệt may. “Chúng tôi tập trung vào ngành dệt may kỹ thuật; Ấn Độ đang khẳng định sự hiện diện của mình trong lĩnh vực này”, ông cho biết.
Thủ tướng Ấn Độ đã phác thảo tầm nhìn 5F cho ngành dệt may trong nước, bao gồm – từ trang trại đến sợi; từ sợi đến nhà máy; từ nhà máy đến sản phẩm thời trang; từ sản phẩm thời trang đến hàng xuất khẩu. Ông cho biết tầm nhìn này đang tạo ra những cơ hội mới cho nông dân, thợ dệt, nhà thiết kế và thương nhân, đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Ấn Độ.
Nguồn: https://congthuong.vn/det-may-an-do-dat-muc-tieu-xuat-khau-100-ty-usd-vao-nam-2030-374647.html