Từ nhiều ngày nay, người dân, du khách bốn phương đổ về đền Cặp Tiên (H.Vân Đồn, Quảng Ninh) chiêm bái và đến “giếng tiên” tại đây để múc nước uống, rửa mặt, mang về nhà cầu may.
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong ngày 3.2 (mùng 6 tết Nguyên đán) cho thấy, từ sáng sớm đã có hàng trăm ô tô chở người dân khắp nơi về đền Cặp Tiên.
Điều khá thú vị là sau khi thắp hương chiêm bái, ai nấy đều mang về một bình nhựa chứa đầy nước, lấy từ giếng nước ngọt có nguồn từ trong núi, được gọi tên là “giếng tiên”.
Tại “giếng tiên” rộng chừng 10 m2 này, ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích mà không phải mất tiền. Rất đông người từ già đến trẻ thi nhau uống, rửa mặt, nhiều người múc nước vào bình nhựa mang về dùng.
Chị Nguyễn Thanh Vân (48 tuổi, du khách đến từ Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi năm nay cũng đi lễ đền Cặp Tiên để cầu an. Sau đó, cả gia đình đến uống nước tại giếng trong đền. Nước giếng trong mát đem lại sự sảng khoái, hy vọng mang đến may mắn cho gia đình”.
Đáng chú ý, để phục vụ nhu cầu của người dân, tại “giếng tiên” Ban Quản lý đền Cặp Tiên bán bình nhựa 1 – 5 lít với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/bình.
Đại diện UBND H.Vân Đồn cho biết, nước tại giếng được kiểm tra định kỳ. Việc người dân uống, lấy nước mang về cầu may là việc diễn ra từ nhiều năm nay. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do sử dụng nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân đem nước về sử dụng phải đun sôi; đồng thời bác bỏ các thông tin cho rằng uống nước tại đây có thể chữa bệnh.
Đền Cặp Tiên còn gọi là đền Cô bé Cửa Suốt, nằm trong quần thể di tích đền Cửa Ông, được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử năm 1989. Ngôi đền này có vị trí đắc địa, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, tạo ra một không gian yên tĩnh, thơ mộng, linh thiêng.
Tương truyền, đền Cặp Tiên thờ vị tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng (một vị tướng và là con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) nên có tên gọi là đền Cô bé Cửa Suốt. Sau này, vào thời Nguyễn, một ông quan chánh đã được nhân dân địa phương tôn làm hậu thần và thờ tại đền, nên đền còn có tên là đền Quan Chánh.
Khi được triều đình cử về trông coi ở vùng này, ông quan này đã chăm lo đời sống nhân dân, giúp dân an cư lạc nghiệp và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông còn là người góp công, góp của và huy động nhân dân trùng tu, sửa sang lại ngôi đền. Để ghi nhớ ơn đức của ông, sau khi ông qua đời, nhân dân đã phối thờ ông tại đền.
Nguồn: https://thanhnien.vn/den-van-don-uong-nuoc-gieng-tien-cau-may-185250203182917401.htm