VCCI đề xuất mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo trực tiếp thay vì qua EVN.
Tại dự thảo Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.
Dự thảo quy định bên mua trong cả hai trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.
Theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo. Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định). Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, có thể sử dụng năng lượng tái tạo để thực hiện các trách nhiệm ESG (các yếu tố liên quan tới định hướng phát triển xanh bền vững của doanh nghiệp) trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, VCCI cho rằng tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Do đó, họ đề nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.
Khi góp ý về dự thảo này, Sở Công Thương Thái Nguyên cũng đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài các khách hàng sử dụng điện lớn. Theo cơ quan này, thực tế, có nhiều hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà đã lắp đặt nhưng chưa kết nối với điện lưới quốc gia vì chưa có hướng dẫn của Bộ Công Thương.
“Nếu hệ thống này được bán cho các khách hàng sử dụng xung quanh sẽ bớt áp lực cho ngành điện”, Sở Công Thương Thái Nguyên đề xuất, thêm rằng việc này cũng giúp giảm lãng phí cho các chủ sở hữu hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Cùng lý do mua bán qua đường dây riêng ít tác động hệ thống, VCCI cho rằng yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là “không thực sự cần thiết”. Trường hợp vẫn lo ngại tác động tiêu cực khi công suất dư thừa phát lên hệ thống, tổ chức này đề xuất bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới.
Ngoài ra, hiện dự thảo quy định khách hàng mua trực tiếp qua hình thức này phải đầu tư hạ tầng lưới điện, có đội ngũ quản lý, vận hành lưới. Theo VCCI, việc này nên để hai bên tự thỏa thuận, trách nhiệm có thể thuộc về đơn vị phát điện, hoặc khách hàng.
Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.
Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.
Phương Dung
Nguồn: https://vnexpress.net/vcci-de-xuat-moi-khach-hang-duoc-mua-dien-tai-tao-khong-qua-evn-4742741.html