Vì sao cần có cơ chế hỗ trợ nhân sự chuyên trách chuyển đổi số, an ninh mạng?
Bộ Nội vụ hiện đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số , an toàn, an ninh mạng.
Một trong những cơ sở để Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng Nghị định này là nhiệm vụ, giải pháp “Có chính sách đặc thù để thu hút, tuyển dụng, giữ chân nhân lực về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị” đã được xác định tại Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![img](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/De-xuat-ho-tro-5-trieu-dongthang-cho-nguoi-lam.jpg)
Việc xây dựng Nghị định quy định mức hỗ trợ với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là nhằm tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, an toàn thông tin và an ninh mạng. Ảnh minh họa: M.S
Đề cập đến sự cần thiết của Nghị định, Bộ Nội vụ phân tích, hiện nay việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng viễn thông, nền kinh tế số đã được hình thành, phát triển ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Dự thảo tờ trình của Bộ Nội vụ còn cho hay, công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 3 hoạt động độc lập, điều chỉnh bởi Luật CNTT năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018, nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong đó, “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” đã xác định: “An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số”.
Để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số thì yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính là cấp bách.
Tuy vậy, nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT đang có tình trạng dịch chuyển ngày càng tăng từ khu vực công sang khu vực tư mà nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc và chính sách tiền lương, thu nhập của đối tượng này còn nhiều bất cập.
Thực tế, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người đang công tác trong lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quản trị hệ thống dữ liệu chuyển đổi số được xác định và bố trí theo vị trí việc làm.
Do chưa có mã số và chức danh riêng nên việc quy định chế độ phụ cấp (gắn với tiền lương hiện hưởng) cho các đối tượng này là rất phức tạp.
“Vấn đề trên sẽ được nghiên cứu xem xét khi cải cách chính sách tiền lương (theo hướng có quy định chức danh và mã số riêng cho các đối tượng này). Trong thời gian chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo 27-NQ/TW thì việc quy định mức hỗ trợ với các đối tượng này là khả thi và phù hợp” , Bộ Nội vụ lý giải.
Đề xuất cơ chế thu hút, giữ chân nhân sự phục vụ chuyển đổi số
Trong dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ nêu rõ, mục đích của việc xây dựng Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là nhằm tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính.
Dự thảo Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng đề xuất, áp dụng mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/tháng với những người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng theo vị trí việc làm được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn mạng gồm có: Cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí việc làm chuyên trách về CNTT (công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số), an toàn thông tin mạng hoặc an toàn thông tin; giao dịch điện tử theo quy định về vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm chuyên ngành của cơ quan có thẩm quyền; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ theo vị trí việc làm.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn đề xuất quy định về thời gian các đối tượng không được tính hưởng mức hỗ trợ, bao gồm: Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ công tác từ 1 tháng trở lên; thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, học tập, làm việc mà không trực tiếp làm công tác chuyên trách liên tục từ 1 tháng trở lên.
![img](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/De-xuat-ho-tro-5-trieu-dongthang-cho-nguoi-lam.jpeg)
Nguồn: https://mic.gov.vn/de-xuat-ho-tro-5-trieu-dong-thang-cho-nguoi-lam-chuyen-doi-so-an-ninh-mang-197250207170325637.htm