Kinhtedothi-Tại phiên làm việc chiều 13/2, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với 6 nhóm.
Giải quyết “điểm nghẽn” thể chế
Trình bày tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trần Hồng Minh nhấn mạnh: ĐSĐT là “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng đô thị. Việc đầu tư phát triển ĐSĐT là tất yếu khách quan, giải pháp quan trọng, căn cơ để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
![Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/De-xuat-6-nhom-co-che-chinh-sach-dac-thu.jpg)
Đề án Phát triển mạng lưới ĐSĐT đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương, Bộ Giao thông-Vận tải xây dựng chính sách đặc thù, đặc biệt là để giải quyết “điểm nghẽn” thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành mạng lưới ĐSĐT tại 2 thành phố.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 11 điều, quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt gồm: huy động vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải…
Trong đó, nhóm chính sách về huy động vốn với cơ chế Thủ tướng được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm và các nguồn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên. Huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất.
![Đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 13/2 - Ảnh: Quochoi.vn](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739441650_396_De-xuat-6-nhom-co-che-chinh-sach-dac-thu.jpg)
HĐND TP có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn hợp pháp khác; dự án cũng được bố trí vốn qua nhiều kỳ trung hạn. UBND TP được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ dự án (chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng…).
Với nhóm chính sách về trình tự, thủ tục đầu tư, dự án ĐSĐT sẽ không phải lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, mà được thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư.
UBND TP được quyết định trong phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án; gia hạn thời gian thực hiện nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư, được ứng trước ngân sách…
Để phát triển đô thị theo mô hình TOD, Dự thảo Nghị quyết cho phép khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất. UBND TP được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD…
![Quang cảnh phiên họp chiều 13/2 - Ảnh: Quochoi.vn](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739441651_908_De-xuat-6-nhom-co-che-chinh-sach-dac-thu.jpg)
Đối với TP Hồ Chí Minh, Dự thảo Nghị quyết đưa ra các quy định áp dụng riêng, đó là TP được thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD; huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị…
Làm rõ các loại dự án ĐSĐT theo mô hình TOD
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết và thống nhất với đề xuất của Chính phủ về 6 nhóm sách đặc thù, đặc biệt trong Dự thảo Luật.
Đối với một số chính sách cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về huy động nguồn vốn tại điểm a, khoản 1, điều 4, Dự thảo Luật.
“Trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với phụ lục danh mục dự án kèm theo nghị quyết này thì số vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Với trình tự thủ tục đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ các loại dự án ĐSĐT, ĐSĐT theo mô hình TOD; dự án được chỉ định thầu nhắm rút ngắn thời gian thực hiện là phù hợp, nhưng cần cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả; cần rà soát, chính sửa phù hợp mô hình TOD, sự cần thiết để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739441652_52_De-xuat-6-nhom-co-che-chinh-sach-dac-thu.jpg)
Về các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh (điều 9, Dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các quy định này cơ bản được kế thừa tại Luật Thủ đô, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định cho TP được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là chưa thống nhất với các quy định về dự án ĐSĐT, dự án ĐSĐT theo mô hình TOD.
Cùng với đó, Luật Đất đai đã quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có các dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển, để làm cơ sở cho thành phố triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Do đó, quy định nêu trên là không cần thiết.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-6-nhom-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-mang-luoi-duong-sat-do-thi.html