Cuộc chạy đua khốc liệt
Điều kiện để U.23 Việt Nam giành vé dự Olympic Paris là phải đạt một trong ba vị trí: vô địch, á quân hoặc hạng ba ở sân chơi U.23 châu Á 2024. Nếu giành hạng tư, các học trò của HLV Philippe Troussier sẽ đấu play-off với đại diện châu Phi.
Tức là trước tiên, U.23 Việt Nam phải lọt vào bán kết giải đấu mới có thể nuôi hy vọng Olympic. Trong 4 lần dự vòng chung kết U.23 châu Á, U.23 Việt Nam từng 1 lần đạt thành tích này (chung kết năm 2018), cùng 1 lần tiệm cận (tứ kết năm 2022).
Dù vậy trong cả hai lần này, vòng chung kết U.23 châu Á đều không tổ chức trùng với năm Olympic, nên giải đấu không được coi như vòng loại “thông hành” đến với sân chơi bóng đá thế giới. Còn trong hai lần gần nhất giải U.23 châu Á là vòng loại Olympic (2016 và 2020), U.23 Việt Nam đều dừng bước ở vòng bảng mà không có chiến thắng nào.
Tất nhiên, giành vé dự Olympic (thông qua giải U.23) khác với giành vé dự World Cup. Bởi ở cấp độ đội tuyển quốc gia, các đội bóng hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Iran hay Úc đã xác lập khoảng cách rất lớn với nhóm bám đuổi (gần như chắc chắn sẽ có vé đi World Cup).
Còn ở sân chơi U.23, khoảng cách giữa những nền bóng đá mạnh và phần còn lại vẫn tồn tại, nhưng mờ nhạt hơn. Cơ hội gây sốc của những nền bóng đá hạng hai, trong đó có Việt Nam, là tương đối rõ ràng.
Minh chứng là chức vô địch U.23 châu Á của Iraq (2013), Uzbekistan (2018), đều là những nền bóng đá đã rất lâu hoặc không được dự World Cup, nhưng lại có dấu ấn đậm nét ở giải U.23 châu Á. Còn Úc, Iran rất mạnh ở cấp đội tuyển, nhưng lứa U.23 lại không quá nổi trội. U.23 Iran thậm chí chưa từng lọt vào bán kết.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy ở những năm mà vòng chung kết U.23 châu Á tổ chức cùng năm với Olympic, các cường quốc bóng đá châu Á luôn chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản hơn.
Đơn cử, U.23 Nhật Bản, U.23 Hàn Quốc và U.23 Iraq là những đội đoạt vé Olympic thông qua giải U.23 châu Á 2016. Sau đó 4 năm U.23 Hàn Quốc, U.23 Ả Rập Xê Út và U.23 Úc lấy vé Olympic Tokyo 2020 nhờ giành 3 vị trí đầu tiên ở giải U.23 châu Á.
Xác suất bất ngờ ở giải đấu trong những năm này giảm đi đáng kể. U.23 Nhật Bản từng cử đội U.21 đi đá giải U.23 châu Á 2018, khi giải đấu này không có vé Olympic. Nhưng sau đó 3 năm, vẫn là U.23 Nhật Bản, khi cộng thêm một số tuyển thủ quốc gia, đã chơi cực hay ở Olympic Tokyo. Quan trọng là thái độ.
Chuẩn bị kỹ càng
Ở 3 vòng chung kết U.23 châu Á gần nhất, U.23 Việt Nam đều dự giải không lâu sau khi khép lại SEA Games. Trải nghiệm ở sân chơi Đông Nam Á, dù thành công hay thất bại, đều tạo ra xung lực để các cầu thủ trẻ thêm “nóng máy” trước thềm châu Á.
Nhưng đến giải U.23 châu Á 2024, U.23 Việt Nam sẽ không có thêm giải trẻ nào để mài giũa. Các cầu thủ chỉ có thể tích lũy kinh nghiệm bằng con đường CLB và đội tuyển quốc gia.
Ở đội tuyển, HLV Philippe Troussier đã đôn những cầu thủ trẻ ưng ý nhất lên tập luyện xen kẽ với lứa đàn anh. Một số gương mặt như Thái Sơn, Minh Trọng, Tuấn Tài đã có suất đá chính, còn Văn Tùng, Văn Khang, Đình Bắc, Thanh Nhàn, Văn Cường sắm vai dự bị.
Bộ khung trẻ này nhiều khả năng tiếp tục có tên tại Asian Cup 2023 (nơi đội tuyển Việt Nam chung bảng Nhật Bản, Iraq, Indonesia) và thi đấu thêm 2 trận ở vòng loại World Cup 2026 trước khi bước vào giải U.23 châu Á.
Việc đôn cầu thủ trẻ lên đội tuyển Việt Nam để “ươm mầm” cho giải U.23 châu Á đã nằm trong tính toán của ông Troussier. Ít nhất 7 trận đấu chính thức (chưa tính giao hữu) là bàn đạp để dàn cầu thủ U.23 nâng tầm trình độ.
Ngay cả lứa Quang Hải, Công Phượng, Văn Thanh, Duy Mạnh… nhiều năm trước khi lọt vào chung kết U.23 châu Á cũng chưa từng được gặp các đội rất mạnh nhất châu Á với tần suất liên tục như Thái Sơn, Minh Trọng hiện nay.
Đặt ở điểm nhìn V-League, lứa trẻ vẫn mang tới nỗi lo. Thái Sơn, Minh Trọng, Tuấn Tài là những cầu thủ hiếm hoi có suất đá chính ở CLB. Phần còn lại như Văn Cường, Văn Khang, Đình Bắc, Văn Tùng… khó cạnh tranh với lớp đàn anh ở trình độ cao hơn.
HLV Troussier đã đề cập đến vấn đề các đội V-League thường ưu tiên cầu thủ kinh nghiệm, ít mở lòng với lớp trẻ. Dù vậy, cũng phải nói do lứa trẻ những năm gần đây có nhiều nhân tài đã khẳng định vị trí tại CLB, đồng nghĩa lớp kế cận bị thu hẹp cơ hội.
Đội V-League nào cũng cần thành tích, nên khó mạo hiểm với lứa trẻ. Ngay cả những đội trẻ trung như Viettel, SLNA khi dùng người cũng phải rất cân nhắc. Đây là yếu tố ông Troussier không thể kiểm soát.
Khi bước tiến ở V-League chưa đạt kỳ vọng, việc tiếp tục “cài răng lược” nhiều thế hệ ở đội tuyển Việt Nam, thậm chí đưa nhiều hơn nữa cầu thủ trẻ vào sân để “lấy ngắn nuôi dài” sẽ là cách tốt nhất để HLV Troussier cùng học trò đến gần hơn với giấc mơ Olympic.