ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THI TỐT NGHIỆP VÀ TUYỂN SINH
Để tổ chức tốt kỳ thi và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2023, chỉ thị của Thủ tướng nêu các nhiệm vụ trọng tâm với Bộ GD-ĐT và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Trong đó, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non. “Bảo đảm đề thi tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh”, chỉ thị nêu.
Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi bảo đảm đúng quy định, chính xác, an toàn; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi; tập trung thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức kỳ thi, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh (TS) theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho TS và người thân của TS ở các điểm thi, nhất là TS có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; tăng cường phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.
THIẾT BỊ GIAN LẬN NGÀY CÀNG TINH VI
Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ngày 29.5, thượng tá Nguyễn Trọng Thái (Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an) cho biết, gian lận, tiêu cực sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ không chỉ diễn ra với TS mà còn với cả giáo viên và phụ huynh. Với TS, hành vi sử dụng thiết bị để gian lận trong phòng thi được thực hiện bởi thiết bị điện tử tinh vi, siêu nhỏ; có thể liên kết với các thiết bị có gắn SIM điện thoại để hỗ trợ cho việc gọi, nghe lời giải từ bên ngoài đưa vào.
Đặc điểm chung, thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận thi cử thường có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng, được thiết kế nhỏ gọn, gắn với các đồ vật thông dụng đó. Trong những năm gần đây, theo thượng tá Thái, giao tiếp qua trường gần có loại thiết bị mới là “kính thông minh”, nhìn bên ngoài như một kính mắt bình thường nhưng chiều ngược lại, TS nhìn lại là một màn hình ảo. Từ gọng kính có phím để điều chỉnh qua lại các hình ảnh dữ liệu. Giao tiếp trường gần cũng được phát triển tích hợp vào vòng, nhẫn đeo tay, liên kết được với điện thoại di động, tai nghe, có thể lấy bàn tay làm màn hình…
Rà soát hệ thống phần mềm làm đề thi
Liên quan đến việc chuẩn bị ra đề thi, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay đến thời điểm này, công tác ngân hàng đề thi đã sẵn sàng, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an để rà soát các hệ thống phần mềm, sẵn sàng cho thời điểm đầu tháng 6 tới sẽ tiến hành làm đề thi, kịp thời cho ngày thi vào 25 – 27.6.
Để thực hiện hành vi gian lận, thiết bị có 2 thành phần chính gồm: thành phần trong phòng thi (gắn với TS), thành phần ngoài phòng thi (gắn ở bất kỳ địa điểm nào với đối tượng bên ngoài). Trong phòng thi, thiết bị sử dụng để gian lận đi kèm TS có 2 bộ phận: tai nghe và thiết bị thu phát. Theo đó, tai nghe phổ biến là dạng siêu nhỏ, chỉ bằng hạt ngô, hạt đậu đút vào trong lỗ tai, sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát. TS sẽ thực hiện gắn tai nghe vào tai trước khi vào phòng thi, vì rất nhỏ nên giám thị khó nhận biết.
Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cũng đưa ra 6 phương pháp để có thể áp dụng tùy theo điều kiện cụ thể nhằm kiểm soát, ngăn chặn và cho rằng cán bộ coi thi tại các phòng thi có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện các thủ đoạn, phương thức sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận. Do đó, ngoài được tập huấn, việc lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm là hết sức quan trọng.
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi năm nay, nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi với quy mô diễn ra trên toàn quốc. Dù TS chỉ làm bài thi trong 2 ngày nhưng từ công tác chuẩn bị, in sao đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả… diễn ra trong hơn 2 tháng; khối lượng công việc lớn, chủ thể tham gia rất đông, đòi hỏi sự tập trung cao độ.