Sự kết nối giữa các thành phố đang ngày càng rộng mở hơn và cần trở thành trọng tâm trong ngoại giao y tế toàn cầu.
Đó là nhận định của Giáo sư Michele Acuto của Đại học Bristol (Anh) trong bài viết “Making City Diplomacy Work for Global Health” (tạm dịch: Phát huy hiệu quả ngoại giao thành phố trong y tế toàn cầu) đăng tải trên trang Think Global Health vào ngày 5/2.
Từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, ngoại giao thành phố – tức hoạt động đối ngoại do chính quyền địa phương thực hiện – đã được tận dụng để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo Giáo sư Acuto, tiềm năng của ngoại giao thành phố vẫn chưa được khai thác đầy đủ, đặc biệt trong việc áp dụng phương pháp One Health.
![]() |
Từ lâu, các thành phố đã là trung tâm của vô số hoạt động ngoại giao. (Nguồn: Reuters) |
“Nhịp cầu” xuyên biên giới
Theo WHO, One Health là một chiến lược tổng thể, nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường, nhằm tạo ra sự cân bằng và tối ưu hóa sức khỏe trên quy mô toàn cầu. Cách tiếp cận One Health nhấn mạnh sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phố, không chỉ trong quản lý cộng đồng địa phương mà còn với các mối quan hệ toàn cầu. |
Các thành phố là trung tâm của cả thách thức lẫn giải pháp trong y tế toàn cầu. Điều này thể hiện rõ qua các đợt bùng phát dịch bệnh tại châu Phi, sự lây lan của virus corona qua các đô thị hay cảnh tượng đường phố vắng lặng trên toàn thế giới trong đại dịch Covid-19.
Cách tiếp cận One Health nhấn mạnh sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phố, không chỉ trong quản lý cộng đồng địa phương mà còn trong hợp tác toàn cầu. Trong bối cảnh hậu Covid-19, khi thế giới đang nhìn nhận lại cách thức quản trị y tế, ngoại giao thành phố cần được coi trọng hơn. Đây sẽ là công cụ thiết yếu trong chiến lược của các nhà lãnh đạo đô thị, chuyên gia y tế và giới ngoại giao.
Theo Giáo sư Acuto, các thành phố không chỉ là trung tâm giao thương, sáng tạo văn hóa và phát triển quan hệ xã hội mà còn là nền tảng của mạng lưới xuyên quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao.
Với bề dày lịch sử, ngoại giao đã trở thành một phần trong “DNA” của nghệ thuật quản trị đô thị quốc tế. Điều này khẳng định vị thế của các thành phố như những nhịp cầu kết nối thế giới, góp phần định hình chiến lược y tế toàn cầu trong tương lai.
![]() |
Những đợt bùng phát dịch bệnh như Covid-19 và SARS thường khiến các đô thị bị nhìn nhận như “nạn nhân” của giao thương, du lịch và các tương tác xuyên biên giới. (Nguồn: Council on Foreign Relations) |
Sự trỗi dậy của ngoại giao thành phố
Giáo sư Michele Acuto chỉ ra rằng, mặc dù lịch sử đã khẳng định vai trò quan trọng của các thành phố trong quan hệ quốc tế, nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng của chúng với tư cách là một chủ thể ngoại giao. Một số ý kiến cho rằng, thành phố chỉ là tập hợp chồng chéo giữa các cơ quan quản lý địa phương và hệ thống hạ tầng, không đủ khả năng đàm phán hay quản trị các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả y tế.
Hơn nữa, những đợt bùng phát dịch bệnh như Covid-19 hay SARS thường khiến các đô thị bị nhìn nhận như “nạn nhân” của giao thương, du lịch và các tương tác xuyên biên giới, thay vì là những tác nhân có thể tạo ra sự thay đổi.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Acuto, ngày càng nhiều thành phố đang chứng minh rằng, họ không chỉ là các thực thể hành chính địa phương mà còn có thể trở thành những nhân tố tích cực trên trường quốc tế. Từ Freetown (Sierra Leone), London (Anh) đến Montreal (Canada), nhiều đô thị đang tích cực tham gia vào ngoại giao toàn cầu, với sự hỗ trợ của các tổ chức có ảnh hưởng như quỹ từ thiện và các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) – những đơn vị tin tưởng vào nhu cầu và tiềm năng của ngoại giao thành phố.
Ông Acuto nhấn mạnh rằng, trong hai thập kỷ qua, mô hình ngoại giao này đã phát triển mạnh mẽ khi chính quyền các thành phố hợp tác để giải quyết những vấn đề chính sách chung. Các nhà phân tích cũng ghi nhận sự mở rộng và thành công của hàng trăm mạng lưới thành phố – các liên minh quốc tế do chính quyền địa phương trên toàn thế giới thành lập và duy trì.
“Tiếng lành đồn xa”
Ông Acuto nhận định, sự phát triển của các mạng lưới này đã giúp ngoại giao thành phố tạo ra những tác động thực thụ.
Những mối liên kết giữa các thành phố đã thúc đẩy hàng ngàn hành động cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao y tế đô thị. Ngoại giao thành phố không chỉ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị mà còn tạo ra những thay đổi đáng kể trong chính sách, nguồn tài trợ, mua sắm công và cơ cấu quản trị.
LHQ đã chính thức công nhận vai trò quan trọng của các thành phố trong hơn 1.200 tuyên bố thuộc 32 hiệp ước và khuôn khổ khác nhau kể từ năm 1972. Nói cách khác, ngoại giao thành phố ngày càng khẳng định giá trị của mình khi các nhà lãnh đạo đô thị không chỉ dừng lại ở lời nói, mà còn đầu tư nguồn lực và hành động cụ thể nhằm thực hiện những cam kết toàn cầu.
![]() |
Ngoại giao thành phố đã mang lại những chuyển biến rõ rệt nhờ khai thác sức mạnh của mạng lưới hợp tác xuyên biên giới giữa các nhà lãnh đạo đô thị. Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Tiêu biểu, sáng kiến Mạng lưới thành phố kiên cường (Resilient cities network) đã huy động khoản đầu tư hơn 350 triệu USD nhằm nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai ở đô thị. Nhóm lãnh đạo khí hậu các thành phố C40 cũng đã triển khai hàng chục ngàn chương trình khí hậu tại hơn 97 thành phố, với sự ủng hộ và đầu tư từ LHQ cùng nhiều tổ chức từ thiện lớn. Các thị trưởng thành phố cũng đang hợp tác nhằm giải quyết thách thức về di cư.
Bên cạnh đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã công nhận vai trò của hợp tác thành phố bằng việc thành lập Urban 20 và Urban 7, tạo cầu nối giữa quản trị đô thị và những cuộc thảo luận toàn cầu về tài chính. Ông Acuto cho biết, những sáng kiến này hướng tới việc huy động nguồn vốn nhằm cải thiện hạ tầng đô thị, đặc biệt thông qua hợp tác với các cơ chế tài chính đa phương vốn thường tập trung vào cấp quốc gia.
Có thể nói, ngoại giao thành phố đã mang lại những chuyển biến rõ rệt nhờ khai thác sức mạnh của mạng lưới hợp tác xuyên biên giới giữa các nhà lãnh đạo đô thị. Nhờ đó, các thị trưởng có cơ hội tiến gần hơn những diễn đàn ngoại giao, thúc đẩy sự lan tỏa chính sách thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và mô hình thành công, đồng thời huy động nguồn lực, mở rộng chương trình mua sắm tập trung.
Những thành phố cũng tích cực kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính đa phương, thúc đẩy hợp tác về dữ liệu và nâng cao năng lực chung, nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu.
Thành phố và ngoại giao y tế
Giáo sư Michele Acuto khẳng định, các chuyên gia y tế toàn cầu không hề bỏ qua vai trò của ngoại giao thành phố.
Năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi xướng Mạng lưới thành phố khỏe mạnh châu Âu (HCN), đặt nền móng cho sự ra đời của các mạng lưới tương tự trên toàn cầu vào những năm 1990. Đến năm 2014, HCN chính thức đưa ngoại giao thành phố vào chương trình nghị sự. Tiếp đó, năm 2017, WHO tiếp tục triển khai Đối tác vì thành phố khỏe mạnh (Partnership for healthy cities) với sự tài trợ từ tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies, tập trung vào các bệnh không lây nhiễm (NCDs) và áp dụng mô hình C40 Cities.
Ông Acuto chỉ rõ, những sáng kiến này đã chứng minh giá trị của ngoại giao thành phố trong việc giải quyết các vấn đề y tế đô thị. Hiệu ứng mạng lưới của Đối tác vì thành phố khỏe mạnh đã giúp triển khai 30 chính sách y tế công cộng mới, cứu sống hàng ngàn người và tác động đến hơn 320 triệu cư dân tại 74 thành phố thành viên. Chương trình này cũng mang lại những cải thiện đáng kể trong kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở nhiều thành phố khác nhau như Cape Town (Nam Phi), Santo Domingo (Cộng hòa Dominica) và Vancouver (Canada).
Bối cảnh y tế toàn cầu là thời cơ “chín muồi” cho ngoại giao thành phố. |
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, các sáng kiến ngoại giao thành phố trong lĩnh vực y tế vẫn còn phân tán và ít được đề cập trong những cuộc thảo luận cũng như hoạch định chính sách y tế toàn cầu.
Chẳng hạn, các mạng lưới y tế đô thị chưa kết nối chặt chẽ với những hoạt động ngoại giao thành phố liên quan khác như biến đổi khí hậu hay di cư. Vai trò của các thành phố cũng chưa được nhắc đến tại quá trình đàm phán Hiệp ước đại dịch (Pandemic Treaty), làm dấy lên lo ngại rằng việc quản trị y tế đô thị sẽ bị bỏ qua trong công tác chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch tương lai.
![]() |
Năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi xướng Mạng lưới thành phố khỏe mạnh châu Âu (HCN), đặt nền móng cho sự ra đời của các mạng lưới tương tự trên toàn cầu vào những năm 1990. Ảnh minh họa. (Nguồn: GIBM) |
Ngược lại, Liên minh đối tác đa cấp tham vọng cao (CHAMP) về hành động vì khí hậu, ra mắt tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), đã nhấn mạnh vai trò cấp thiết của việc đưa tiếng nói và hợp tác giữa các thành phố trở thành nền tảng trong giải quyết những thách thức xuyên quốc gia.
Thêm vào đó, ông Acuto nhấn mạnh, việc tái khởi động Sáng kiến Y tế đô thị (UHI) của WHO tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của các thành phố đối với y tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong các tài liệu chính sách gần đây, dù có đề cập việc sử dụng mạng lưới thành phố, khái niệm “ngoại giao thành phố” vẫn chưa được UHI khai thác đầy đủ khi định hình các giai đoạn tiếp theo.
Điều này cho thấy các thành phố vẫn chưa có vị thế tương xứng trong lĩnh vực y tế toàn cầu như trong một số chương trình nghị sự khác của LHQ. Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển đô thị hiện nay bắt đầu tích hợp chính sách One Health, mở ra cơ hội để ngoại giao thành phố thúc đẩy những sáng kiến mang tính bền vững và toàn diện hơn.
Hạ tầng đô thị và bình đẳng y tế
Ông Acuto cho rằng bối cảnh y tế toàn cầu là thời cơ “chín muồi” cho ngoại giao thành phố. Bởi giờ đây, đô thị không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là nơi các quốc gia có thể hợp tác nhằm giải quyết vấn đề y tế và phát triển hạ tầng – những lĩnh vực mà ngoại giao truyền thống, do ràng buộc về chủ quyền, an ninh quốc gia và địa chính trị, chưa thể giải quyết triệt để.
Trước đây, các thành phố thường chỉ được nhìn nhận như những điểm trung chuyển của thị trường, chuỗi cung ứng và tầng lớp tinh hoa toàn cầu, thay vì chủ thể có vai trò tích cực trong quản trị quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Acuto, việc chú trọng đến sức khỏe đô thị theo định hướng của chiến lược One Health có thể giúp các thành phố, dù riêng lẻ hay tập thể, nâng cao chất lượng và quản lý hiệu quả hệ thống hạ tầng. Thực tế cũng chứng minh, ngoại giao thành phố không chỉ giúp các đô thị ứng phó linh hoạt và toàn diện trước những thách thức chung, mà còn thúc đẩy sáng kiến One Health, mang lại những cải thiện bền vững ngay từ cấp độ cộng đồng.
![]() |
Bối cảnh y tế toàn cầu là thời cơ “chín muồi” cho ngoại giao thành phố. Ảnh minh họa. (Nguồn: LinkedIn) |
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhận định, cộng đồng y tế toàn cầu đang đối mặt với một thế giới đô thị hóa với tốc độ chóng mặt. Thông qua mạng lưới hợp tác thành phố, việc gắn kết cơ chế quản trị toàn cầu với những vấn đề sức khỏe thường nhật có thể thúc đẩy các chính sách đô thị thực tiễn, giúp xây dựng và duy trì hệ thống hạ tầng y tế vững chắc, đủ sức đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, với tư cách là nhà lãnh đạo gần gũi nhất với người dân, các thị trưởng không chỉ đóng vai trò kết nối và vận động, mà còn có thể định hình cơ chế quản trị y tế toàn cầu theo hướng hợp tác sâu rộng, phù hợp với thực tế của một thế giới đô thị hoá nhanh chóng.
Tựu trung, ngoại giao thành phố đang ngày càng chứng tỏ vai trò của mình trong quản trị y tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa với những thách thức sức khỏe ngày càng phức tạp. Thông qua mạng lưới hợp tác, các thành phố không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực, mà còn tham gia sâu hơn vào những cơ chế quản trị toàn cầu, góp phần xây dựng hệ thống y tế đô thị, tạo nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững và công bằng hơn.
Để đạt được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền địa phương, tổ chức quốc tế, giới hoạch định chính sách nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của ngoại giao thành phố trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Khi các thành phố thực sự trở thành những chủ thể tích cực trên trường quốc tế, tin rằng, hệ thống y tế toàn cầu sẽ ngày càng vững mạnh và thích ứng tốt hơn với những thách thức trong tương lai.
(*) Ông Michele Acuto là Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác toàn cầu và là Giáo sư về khả năng phục hồi đô thị tại Đại học Bristol (Anh). Các nghiên cứu của ông tập trung vào khủng hoảng khí hậu, y tế đô thị và ứng phó với đại dịch, bất bình đẳng trong đô thị, cũng như khả năng chống chịu trước các thảm họa và rủi ro của những thành phố lớn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/de-ngoai-giao-thanh-pho-tro-thanh-cong-cu-dac-luc-cho-nen-y-te-toan-cau-303747.html