Theo quy định từ 14-2 cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, nhiều bạn đọc thắc mắc trường hợp giáo viên vi phạm quy định này thì bị xử lý ra sao?

Học sinh đi học thêm tại một trung tâm ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Luật sư Nguyễn Phong Phú, Đoàn luật sư TP.HCM, có những giải đáp xung quanh vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm: Giáo viên vi phạm dạy thêm theo quy định sẽ bị xử lý ra sao?
Cấm dạy thêm học sinh tiểu học, trừ những trường hợp sau
Dạy thêm, học thêm từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt với học sinh tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng dạy thêm.
Từ ngày 14-2-2025, thông tư 29/2024 có hiệu lực, đưa ra những điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể hơn về hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó vẫn duy trì quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Vậy giáo viên dạy thêm cho học sinh tiểu học vi phạm quy định này có thể bị buộc thôi việc không?
Căn cứ theo khoản 1 điều 3 thông tư 29 quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:
Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý.
Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất kỳ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Có thể thấy điều khoản quy định dạy thêm, học thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện và có sự đồng ý của phụ huynh, nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh, đặc biệt là trẻ em.
Đồng thời cấm mọi hành vi ép buộc học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, góp phần ngăn chặn tiêu cực trong giáo dục, nhất là việc giáo viên gây áp lực hoặc cắt giảm nội dung giảng dạy trên lớp.
Theo quy định tại điều 4 thông tư 29 thì các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm từ 14-2-2025 như sau:
Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm
1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
2. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
3. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, ngoài các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao hoặc kỹ năng sống, giáo viên không được tổ chức dạy thêm các môn học khác cho học sinh tiểu học, bất kể trong hay ngoài nhà trường, cũng như có thu phí hay miễn phí.
Giáo viên dạy thêm học sinh tiểu học bị xử phạt ra sao?
Như vậy nếu giáo viên vi phạm quy định dạy thêm như trên có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 138/2013/NĐ-CP, với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 12 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra theo nghị định 04/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi nghị định 127/2021/NĐ-CP), giáo viên vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc bị tịch thu phương tiện, tài liệu vi phạm.
Bên cạnh đó, theo điều 15 nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý cán bộ công chức, viên chức, hình thức kỷ luật đối với giáo viên vi phạm có thể bao gồm:
Khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Đối với giáo viên giữ chức quản lý còn có thể chịu hình thức kỷ luật là cách chức.
Cũng theo nghị định trên, từ điều 16 đến điều 19 đã quy định cụ thể từng hành vi vi phạm với mức áp dụng hình thức kỷ luật cho từng hành vi.
Trong đó, hình thức cao nhất là kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức vi phạm một trong những hành vi sau:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm.
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 16 nghị định này.
3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 điều 17 nghị định này.
4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.
5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, giáo viên dạy thêm trái quy định ở bậc tiểu học không được quy định cụ thể nằm trong trường hợp bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Tuy nhiên nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần, giáo viên có thể đối mặt với hình thức xử lý cao nhất này.
Thông tư 29 ban hành nhằm để quản lý việc dạy thêm, học thêm được nền nếp, quy củ, hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan không vì mục đích “nâng cao chất lượng giáo dục”, làm giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Giáo viên muốn được dạy thêm phải nắm rõ nội dung và thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định tại thông tư này để không mắc phải vi phạm, có thể dẫn đến việc bị kỷ luật.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề
Nguồn: https://tuoitre.vn/day-them-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-giao-vien-co-bi-ky-luat-buoc-thoi-viec-20250220155843631.htm