Ninh Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Ninh Bình đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Bình đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Du khách về dự Lễ hội Tràng An. Ảnh tư liệu: Minh Đường
Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,0 triệu khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP; tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên, trong đó có trên 9.200 lao động trực tiếp. Mỗi năm tổ chức hoặc tham gia ít nhất từ 03 đến 05 sự kiện du lịch Quốc tế được tổ chức ở trong nước, 01 đến 02 sự kiện du lịch ở nước ngoài, đón từ 05 đến 10 đoàn famtrip, presstrip, vlogger, blogger… trong và ngoài nước đến khảo sát du lịch Ninh Bình. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động marketing du lịch để đẩy mạnh truyền thông xây dựng thương hiệu và quảng bá, thu hút khách.
Thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xúc tiến du lịch trong thời gian tới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian qua. Phát triển Hệ sinh thái du lịch thông minh và triển khai toàn diện công tác quảng bá, xúc tiến số trên Hệ thống thông tin số du lịch của tỉnh và trên các nền tảng số, các mạng xã hội lớn.
Ninh Bình cũng đặc biệt tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ưu tiên đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh bằng chính chất lượng sản phẩm dịch vụ, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hiếu khách. Triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tiết kiệm nguồn lực và ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Ninh Bình. Đồng thời, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch, thúc đẩy các ngành lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Rước kiệu tại lễ hội đền Thái Vi (Ảnh: Internet)
Hiện Ninh Bình tập chung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm như: điều tra, thu thập thông tin về số lượt khách và số ngày lưu trú của khách; thông tin về mức chi tiêu và cơ cấu các khoản chi tiêu; thông tin về nhận xét, đánh giá của khách du lịch về cảnh quan môi trường du lịch, về điều kiện vật chất, dịch vụ, thái độ phục vụ khách, sự thân thiện của người dân Ninh Bình đối với khách du lịch của một số khách du lịch đại diện, từ đó nghiên cứu thị trường khách, xu thế của khách, tuổi, giới tính, nơi ở và thu nhập, quốc gia… để tham mưu các chiến lược tiếp cận quảng bá du lịch ở các thị trường tiềm năng đã xác định.
Phân tích và đánh giá thực trạng hệ thống sản phẩm du lịch Ninh Bình: Rà soát và đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch Ninh Bình hiện tại theo hai tiêu chí, cấu thành sản phẩm chung của điểm đến và sản phẩm theo các loại hình du lịch. Chú trọng xây dựng các sản phẩm dịch vụ có chất lượng, mang dấu ấn, đặc trưng riêng của tỉnh. Nghiên cứu khả năng cạnh tranh và định vị sản phẩm du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước, khu vực và quốc tế: Phân tích và đánh giá hệ thống sản phẩm du lịch của các điểm đến du lịch cạnh tranh trong khu vực. Nghiên cứu điều tra tính cạnh tranh từ góc độ tiêu dùng. Tìm ra định vị hiện tại của sản phẩm du lịch Ninh Bình để có chiến lược cạnh tranh và quảng bá phù hợp.
Thiết kế Bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Ninh Bình biểu trưng, tiêu đề và các hình ảnh đặc trưng, nghiên cứu định vị được thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình, triển khai công tác quảng bá, xúc tiến, truyền thông phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình. Xây dựng văn hóa ứng xử, văn minh du lịch ở các khu du lịch, điểm du lịch và các địa phương có khu, điểm du lịch; Khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh du lịch Ninh Bình “An toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.
Tổ chức các cuộc thi sáng tác ảnh đẹp Ninh Bình; cuộc thi báo chí viết về du lịch Ninh Bình; cuộc thi tìm hiểu thông tin du lịch Ninh Bình trực tuyến, cuộc thi “Check in Ninh Bình”; cuộc thi sáng tác tranh về Di sản Tràng An; cuộc thi hướng dẫn viên giỏi; cuộc thi nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn; cuộc thi đôi tay vàng trong các ngành nghề truyền thống. Đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn của quốc gia và quốc tế tại tỉnh Ninh Bình, các cuộc thi sắc đẹp, các giải đấu thể thao…
Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh như: Tuần Du lịch Ninh Bình, tổ chức các Lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội Bái Đính, Tràng An Marathon, Cồn Nổi Marathon, Cúc Phương Marathon…Phát triển và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin số du lịch, phầm mềm hướng dẫn viên du lịch ảo nhằm đáp ứng các nhu cầu tiếp cận thông tin đa dạng của du khách và doanh nghiệp. Xây dựng kho dữ liệu video bằng công nghệ AR và AVR làm tư liệu maketing, xúc tiến trên nền tảng số.
Giới thiệu về các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; các thông tin về tiềm năng, cơ hội, môi trường đầu tư, định hướng phát triển, các thủ tục hành chính, chính sách mới của tỉnh về phát triển du lịch; kết quả phát triển du lịch hằng năm của tỉnh. Xây dựng mới, nâng cấp hệ thống biến quảng bá du lịch tấm lớn, biển điện tử biển Led, biểu trưng du lịch tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, trục đường lớn, tuyến đường đến các khu du lịch lớn của tỉnh đường Tràng An, đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa…
Đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các quầy thông tin hỗ trợ khách du khách và trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các đặc sản của địa phương và nâng cao chất lượng của Tổng đài hỗ trợ khách du lịch để hỗ trợ kịp thời cho du khách và các doanh nghiệp lữ hành. Tổ chức Hội chợ triển lãm công nghiệp, thương mại và Du lịch Ninh Bình; Xây dựng nền tảng Hội chợ du lịch trực tuyến, sàn giao dịch du lịch trực tuyến trên môi trường mạng để tăng cường công tác Quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch Ninh Bình.
Vương Thanh Tú