Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân nông thôn
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều điểm mới, đòi hỏi chất lượng hoàn thành cao hơn giai đoạn trước, trong đó có tiêu chí số 15 về y tế, quy định: duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 90% trở lên; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 24%; tỉ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt trên 50%…
Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương – cho hay, sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở được nâng cao, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: có 7.115 xã (87%) đạt tiêu chí về y tế (giảm 6,6% so với cuối năm 2020); so với mục tiêu đến năm 2025 là có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 15 về y tế thì kết quả cho đến nay còn thấp.
Nhiều tỉnh đã đạt thành tích cao về tiêu chí y tế trong xây dựng NTM. Cụ thể, đến nay, hệ thống y tế tỉnh Nam Định được củng cố, mạng lưới y tế cơ sở được hoàn thiện; công tác quản lý Nhà nước về y, dược được tăng cường; chất lượng công tác khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực.
Tại Quảng Ninh, người cao tuổi tại huyện miền núi Tiên Yên được cán bộ y tế quan tâm tư vấn sức khỏe về chủ động phòng tránh, phát hiện sớm bệnh thường gặp như huyết áp cao, đái tháo đường, xương khớp; được tư vấn các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp với tuổi và tình trạng sức khỏe của mình…
Tỉnh Lai Châu cũng chú trọng chăm lo đời sống cho người dân nông thôn, đặc biệt là người cao tuổi. Trong đó, tăng cường tuyên truyền chế độ dinh dưỡng, phòng chống các bệnh thường gặp như: huyết áp, tim mạch, phòng ngừa đột quỵ, xương khớp… trên hệ thống loa truyền thanh, trực tiếp tại cuộc họp bản và khi người dân đến khám tại cơ sở y tế. Hàng năm, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ 2 lần và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú cho người cao tuổi; khám và cấp thuốc điều trị cho người ao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Than Uyên có 4.634 người cao tuổi được khám định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 4.300 người cao tuổi được test đường huyết; 13 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa được khám và cấp thuốc điều trị; trên 3.400 người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, với 25 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 66% dân số, các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được ngành y tế đẩy mạnh.…
An toàn thực phẩm và nước sạch cho người dân nông thôn
An toàn thực phẩm và nước sạch là 2 vấn đề được chú trọng trong xây dựng NTM, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân nông thôn. Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2.8.2022 (sau đây gọi tắt là Chương trình 925).
Mục tiêu của Chương trình 925 là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Theo dự kiến, Chương trình 925 sẽ triển khai thực hiện 70 mô hình thí điểm trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố theo 6 nhóm nội dung. Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã phê duyệt danh mục (đợt 1) 12 mô hình thí điểm cho 11 tỉnh.
Đối với các mô hình còn lại, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị rà soát, bổ sung và hoàn thiện đề xuất mô hình. Bộ đã hướng dẫn các tiêu chí để rà soát, lựa chọn mô hình phù hợp (về tính mới của mô hình, sự tham gia của cộng đồng, nguồn kinh phí để thực hiện mô hình…) để làm cơ sở phê duyệt danh mục các mô hình còn lại.