Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của TPTam Kỳ (Quảng Nam) đến năm 2030 phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
UBND TP.Tam Kỳ cho biết, theo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 4%. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích của ngành nông nghiệp TP.Tam Kỳ ước đạt 137 triệu đồng/ha/năm.
Đối với trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 3.676,2ha/năm. Trong đó, cây lúa 2.100 ha/năm, đã thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, cơ cấu giống mới, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và tuân thủ lịch thời vụ nên năng suất lúa tăng vượt trội, đã đưa được nhóm giống lúa chất lượng cao thành chủ lực, chiếm hơn 75% diện tích sản xuất.
“Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mới được hình thành, nhất là các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, chuyển đổi số trong nông nghiệp, sản xuất lúa, rau hữu cơ… trong nhiều mô hình sản xuất, các hộ dân đã đầu tư hạ tầng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, một số mô hình nuôi trồng nấm phát triển mạnh, vượt trội về quy mô lẫn công nghệ tạo ra được sản phẩm đa dạng cho thị trường, một số sản phẩm chế biến sâu đạt OCOP 3 sao, 4 sao; nổi bật là Công ty TNHH Vĩnh Bình Quảng Nam, HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo Quảng Nam tạo điểm mới về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến thực phẩm”- ông Nguyễn Duy Ân – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ, cùng với tập trung phát triển nông nghiệp, phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh, TP.Tam Kỳ có 4 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đưa thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 29/3/2021.
Đến nay, TP.Tam Kỳ đã có 27 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 22 sản phẩm 3 sao; hỗ trợ 1 điểm bán hàng OCOP và 2 điểm trưng bày OCOP; thành phố cũng đã công nhận 36 sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Trên địa bàn TP.Tam Kỳ hiện có 2 làng nghề đã được công nhận gồm, làng nghề Bún Phương Hòa, làng nghề chiếu cói Thạch Tân; 3 nghề truyền thống đã được công nhận, chế biến nước mắm Tam Ấp; Rèn Hồng Lư; Hến Tân Phú xã Tam Phú, trong đó có một số sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống đã đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Hiện đã có 37 hợp tác xã và 23 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả.
“Đặc biệt, thành phố chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đào tạo nghề lao động nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao được hình thành phát triển tốt, đã có 3 sản phẩm được công nhận VietGAP và 7 sản phẩm được chứng nhận ISO, 5 sản phẩm được công nhận HACCP.
Thành phố đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ thành công các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm rau sạch Trường Xuân, nước mắm Tam Thanh, Chiếu cói Thạch Tân, nước mắm làng Bích Họa, “Gà ta Mười Tín”; “Rau muống biển Tam Thanh”, “Bún Phương Hoà”, “nén An Phú” và nhiều nhãn hiệu cá nhân: “Yến sào Bảo Trân”, “trà nhàu Best one”, “áo dài Anh Phạm”, “yến sào Phương House”, “bánh chưng Bà ba Hội”…
Trong những năm qua, thành phố đã thực hiện được 4 đề tài ứng dụng khoa học công nghệ cấp cơ sở và thực hiện 1 dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp tỉnh; thành phố cũng đang xây dựng được hơn 10 chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: 4 chuỗi nấm, 1 chuỗi thịt gà, 1 chuỗi nước mắm, 1 chuỗi sen sông Đầm, 1 chuỗi nén, 1 chuỗi nhàu, 1 chuỗi vịt thịt, 1 chuỗi nấm…
Giai đoạn 2021 – 2024, UBND thành phố thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí gần 83 tỷ đồng”- ông Nguyễn Duy Ân cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của TP.Tam Kỳ đến năm 2030, trong đó phát triển kinh tế nông nghiệp thành phố gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên những sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương và nhu cầu của xã hội, lấy thị trường làm mục tiêu; đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch nông nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng.
Nguồn: https://danviet.vn/day-la-mot-thanh-pho-cua-quang-nam-dang-phat-trien-manh-ve-nong-nghiep-cong-nghe-cao-20250121154421745.htm