Đặc sản Bình Phước có nhiều sản phẩm chất lượng cao, nổi tiếng cả nước như hạt điều rang, rượu dân tộc S’tiêng…Thời gian qua, nhiều nông dân điển hình xây dựng thành công nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, qua đó tăng thu nhập.
Hạt điều Bình Phước làm ra loạt sản phẩm OCOP lừng danh
Bà chủ của loạt sản phẩm hạt điều đạt tiêu chuẩn OCOP rất danh tiếng này là Trần Uyên Phương, thường trú xã An Khương, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước).
Bà Trần Uyên Phương, nông dân chế biến hạt điều ở xã An Khương, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) bên lò sấy rang hạt điều bằng củi. Hạt điều rang là một trong các đặc sản Bình Phước. Ảnh: H.Q
Bà Phương cho biết, với Cơ sở sản xuất hạt điều Đức Liêm (do bà Phương làm chủ cơ sở), “tôi muốn sản phẩm của mình phải khác biệt với hạt điều của cơ sở, doanh nghiệp khác. Sản phẩm phải mang nét riêng của quê nhà. Hơn thế, mình không chỉ cho ra lò một loại sản phẩm đơn điệu, mà cần phải đa dạng, đa khẩu vị, đáp ứng thị hiếu của nhiều thành phần khách hàng khác nhau”.
Từ suy nghĩ kiên định trên, nhiều năm qua, bà Phương đã mạnh dạn đổ tiền đầu tư, chế biến hạt điều mang đậm bản sắc rất riêng của huyện Hớn Quản.
Ban đầu, Cơ sở Đức Liêm cho ra sản phẩm chủ lực là hạt điều rang muối. Sản phẩm làm ra tới đâu, bán hết tới đó; thừa thắng, bà Phương lại tìm tòi, thử nghiệm, rồi cho ra loạt sản phẩm hạt điều mang nhiều hương vị khác nhau như: hạt điều tỏi ớt, hạt điều nguyên vị, kẹo hạt điều…
“Hạt điều do cơ sở chúng tôi làm ra được rang chín bằng lửa củi, nên mang hương vị thơm tự nhiên, vị béo ngậy khác biệt hẳn các dòng sản phẩm của các cơ sở khác” – bà Phương cho biết.
Chính điều này, khiến các dòng sản phẩm hạt điều của bà Phương được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Bình Phước ưa chuộng.
Ngoài hạt điều, nhận thấy tiềm năng của thị trường cà phê, bà Phương tiếp tục đầu tư dây chuyền chế biến cà phê. Bà Phương lại thắng lớn cho sản phẩm cà phê được rang xay, đóng gói bằng tất cả nhiệt huyết của cá nhân bà Phương.
Sự nỗ lực của bà Trần Uyên Phương đã được đền đáp xứng đáng, khi 2 sản phẩm “Hạt điều rang muối Đức Liêm” và “Chất Cà phê” đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2022.
Kỹ sư bỏ phố về quê trồng nấm đông trùng hạ thảo
Hơn 4 năm sách đèn, cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM), chị Nguyễn Thị Tiên không chọn ở lại Sài Gòn lập nghiệp như rất nhiều bạn bè.
Trái lại, chị Tiên khăn gói về trung tâm đô thị lớn mà về thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp khởi nghiệp, với nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo. Thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp là vùng biên giới giáp Campuchia, thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Phước.
Thế nhưng, cái trong trẻo, bình yên, có vẻ đìu hiu của miền biên giới lại giúp chị Tiên tập trung, toàn tâm, toàn ý cho công việc gây, trồng hoàn hảo những mẻ nấm đông trùng hạ thảo – vốn là nguồn dược liệu quý, đảm bảo sức khoẻ cho con người. Và, chỉ sau hơn 1 năm xây dựng thương hiệu, nấm đông trùng hạ thảo do chị Tiên làm ra được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023.
Chị Nguyễn Thị Tiên (bìa trái) giới thiệu với lãnh đạo Liên minh HTX và Hội Phụ nữ tỉnh Bình Phước, về sản phẩm đông trùng hạ thảo. Ảnh: P.N
Chị Nguyễn Thị Tiên cho biết, sau đợt dịch Covid-19, sức khoẻ con người cần được ưu tiên hàng đầu nên liên kết với 7 thành viên cùng chung ý tưởng góp vốn thành lập hợp tác xã (HTX) nấm đông trùng hạ thảo Phụ nữ Bình Phước cuối năm 2022.
“Mục đích của tôi khi thành lập HTX tại Bù Đốp là để người nông dân được sử dụng với giá rẻ nhằm nâng cao sức khỏe. Bởi sau đợt dịch Covid-19, hệ miễn dịch rất kém nên cần tăng cường sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe” – chị Tiên nói.
Hiện HTX cung ứng ra thị trường bình quân 2.000 hộp nấm/thàng (10gr/hộp). Sản phẩm nấm được chia ra thành nhiều dòng, rất đa dạng gồm: Đông trùng hạ thảo tươi, Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, Rượu đông trùng hạ thảo, Trà đông trùng hạ thảo… Sản phẩm được HTX bán với giá cả phải chăng, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tháng.
Nông dân quê gốc Nam Định mê nấu rượu dân tộc S’tiêng
Sinh sống ở huyện Hớn Quản đã lâu, nhưng ông Trần Ngọc Minh Hưng lại là người con của làng nghề nấu rượu truyền thống huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Vì thế, khi thưởng thức rượu truyền thống của dân tộc S’tiêng ở tỉnh Bình Phước; máu nhà nghề nổi lên, ông Hưng tìm hiểu cách tạo ra loại rượu bản địa này.
Sau thời gian dài dày công học hỏi cách thức nấu rượu, ông Hưng cho ra một phương thức: Kết hợp giữa bí quyết gia truyền, với những bài thuốc dân gian của người S’Tiêng, để tạo nên một sản phẩm rượu độc đáo cho riêng mình.
Ông Trần Ngọc Minh Hưng bên dây chuyền chưng cất rượu S’tiêng độc quyền, do chính ông Hưng sáng tạo. Rượu của đồng bào dân tộc S’tiêng là một trong các đặc sản Bình Phước. Ảnh: T.L
Ông Hưng cho biết: “Xuất phát từ những bài thuốc dân gian chữa bệnh đau nhức xương khớp, đau lưng…của đồng bào S’tiêng. Tôi nảy ra ý tưởng nấu rượu, bằng cách kết hợp những bài thuốc dân gian đó”. Nói là làm. Với kinh nghiệm con nhà nấu rượu, cùng sự sáng tạo không ngừng, ông Hưng đã cho ra đời sản phẩm “Rượu S’tiêng” mang hương vị đặc trưng, thơm ngon, bổ dưỡng.
Không chỉ chú trọng vào chất lượng, anh Hưng còn ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm rượu S’tiêng của ông Hưng đã được người tiêu dùng đón nhận.
“Thời gian tới, cơ sở chúng tôi phấn đấu để đưa “Rượu S’tiêng” đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh” – ông Hưng cho biết thêm. Hiện sản phẩm rượu S’tiêng mang đậm hương vị, chất truyền thống của người dân tộc S’tiêng đã được tiêu thụ rộng rãi ở tỉnh Bình Phước.
UBND huyện Hớn Quản cũng lập hẳn trung tâm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Hớn Quản. Rượu S’tiêng do cơ sở ông Hưng làm ra cũng được giới thiệu tại đây.
Năm 2024, UBND huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đã thành lập trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP dành cho các cơ sở, gia chủ sở hữu sản phẩm đạt chuẩn OCOP tại huyện Hớn Quản. Ảnh: H.Q
Hiện tỉnh có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 – 5 sao. Trong đó, có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao, với gần 80 chủ thể đăng ký.
Các sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú chủng loại, gồm 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm như: sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mít ruột đỏ, cam, ổi, mít sấy thăng hoa, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị, chả lụa, bột dế, hạt tiêu…
30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống có cồn như: rượu chuối hột, rượu sâm bố chính, rượu đông trùng hạ thảo. Đồ uống không cồn như cà phê nguyên chất, bột ngũ cốc dinh dưỡng, yến sào tinh chế, mật ong, nước uống đóng chai. 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm: mũ, giày, dép (nón) đan len, hoa đan len; hoa khô ngũ sắc để bàn, tranh gỗ nghệ thuật.
Để xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững thời gian tới, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân:
“Bình Phước tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm: chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn Thanh Lương” và “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”.
Không thể phủ nhận, để có được những thương hiệu, nhãn hiệu OCOP đậm đặc bản sắc của tỉnh nhà, thì công lao tìm tòi, sáng tạo khởi nguồn, bắt đầu từ những gia chủ, ông chủ như: Trần Uyên Phương, Nguyễn Thị Tiên và Trần Ngọc Minh Hưng. Và, các gia chủ cũng giàu lên nhờ những sản phẩm OCOP-đặc sản Bình Phước.
Nguồn: https://danviet.vn/day-la-cac-dac-san-binh-phuoc-dat-sao-ocop-dang-giup-nong-dan-giau-len-co-mon-moi-toanh-20250205102534395.htm