Dự báo thị trường lao động tại TP.HCM năm 2025 sẽ có chuyển biến tích cực khi số đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp của TP trong tháng 1-2025 chỉ còn 5.463 người, giảm 4.351 người (giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ở nhà chăm con nhỏ, chị Cao Thị Trắng nhận hàng về gia công kiếm thêm, phụ tiền chợ với chồng – Ảnh: C.TRIỆU
Bà Trần Lê Thanh Trúc, trưởng Phòng việc làm và an toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM), cho biết toàn ngành đang chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu.
Mục tiêu năm nay sẽ tiếp tục có các giải pháp giải quyết việc làm cho 300.000 lượt lao động, trong đó có 140.000 chỗ làm mới và kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp đô thị.
Kéo tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%
Mục tiêu này được cụ thể bằng việc nắm bắt tình hình tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên. Song song đó các phiên và sàn giao dịch việc làm kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ngay từ đầu năm luôn được tập trung.
Qua đó hỗ trợ người lao động nhanh chóng tiếp cận với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Như chương trình Tiếp sức người lao động năm 2025 sẽ được tổ chức trong tuần đầu tháng 3 sẽ là hoạt động mang tính liên kết vùng khi TP.HCM kết nối với nhiều tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Giải pháp khác là đầu tư chất lượng lao động Việt Nam đưa đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc…, mở ra cơ hội cho người lao động tham gia thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục – giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM – nói tình hình lao động việc làm trên địa bàn TP.HCM đầu năm 2025 có chuyển biến tích cực. Điều đó phần nào lý giải cho con số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 1 giảm sâu ngoài nguyên nhân rơi vào kỳ nghỉ Tết.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, hiện có 96 lượt doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký tuyển dụng lao động đầu năm với 13.725 vị trí việc làm. Trong đó nhu cầu tập trung ở nhóm lao động phổ thông 41,03%, dịch vụ 7,89%, thực phẩm – đồ uống 6,23%, da giày – may mặc 5,25%, kỹ thuật – cơ khí 4,61% và một số ngành nghề khác.
Chủ động gia nhập thị trường việc làm
Ông Nguyễn Văn Sang – phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành Đoàn TP.HCM) – thông tin qua đăng ký của doanh nghiệp tại trung tâm này cho thấy tuyển dụng đầu năm chưa nhiều đột biến với hơn 2.000 vị trí việc làm.
Tuy nhiên dự báo thị trường việc làm sẽ có biến động khi nhiều việc mới ra đời. Một số ngành ít tăng trưởng trong năm 2024 thì nay dự báo sẽ tăng đến tăng trưởng bùng nổ.
Theo một số chuyên gia về lao động việc làm, người lao động khi tìm việc cần chuẩn bị tâm thế tích cực tiếp cận thông tin việc làm qua nhiều kênh chính thống.
Lời khuyên là khi đang thất nghiệp nhưng nếu không quan tâm thông tin tuyển dụng được các trung tâm đăng tải, thậm chí đòi hỏi quá cao càng khiến tình trạng không có việc kéo dài, phí thời gian và chậm tham gia thị trường việc làm.
Về thu nhập, ông Sang cho rằng doanh nghiệp không ngại trả lương cao, vấn đề nằm ở chỗ người lao động có đáp ứng được yêu cầu hay không. Doanh nghiệp hiện có nhiều yêu cầu khác so với trước đây khi ngoài kỹ năng làm việc còn cần lao động trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, kỹ năng mềm vốn là điều nhiều lao động rất thiếu nên đôi khi vô tình tự vuột mất cơ hội.
“Đặc biệt những bạn sinh viên mới ra trường đi làm thì ban đầu nên khoan nghĩ quá nhiều vấn đề lương bổng. Điều quan trọng cần nghĩ là tìm được môi trường để bản thân phát triển, có việc làm ngay, gia nhập để hòa nhập thực tế”, ông Sang chia sẻ.
Chủ trọ kiếm việc cho công nhân làm thêm
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, chủ khu lưu trú công nhân số 48 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), nói trăn trở lắm khi thấy công nhân không được tăng ca. Bà kể chính mình nhiều ngày nay đã chạy vạy khắp nơi tìm nguồn hàng gia công mang về cho công nhân trọ trong khu lưu trú tranh thủ kiếm thêm.
Mới nhất, bà Hồng mang về cho công nhân khu lưu trú hàng vạn cây bút bi cần gia công lắp đầu nút bấm. Tiền công không quá cao, tính từng đồng nhưng công đoạn đơn giản, ai cũng có thể làm được nên đều thấy vui và muốn làm thêm.
“Cũng có mấy đợt bạn hàng ở chợ kêu nhận giấy tờ vàng bạc đưa về nhờ công nhân xếp giùm nhưng tui không nhận. Còn làm viết bi mỗi ngày chắc cũng được chừng 30.000 đồng phụ thêm tiền chợ”, bà Hồng cười.
Khoảng 4,73 triệu lao động tại TP.HCM đang có việc làm
Theo số liệu thống kê, dân số TP.HCM hiện khoảng 9,54 triệu người. Trong đó lực lượng lao động (từ 15 tuổi trở lên) có việc làm ghi nhận năm 2024 là 4,73 triệu người (tăng 1,5%, tương đương 71,8 nghìn người so với năm trước).
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tiếp nhận 143.338 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm 13,72% so với cùng kỳ năm 2023). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 143.598 người, trong đó số đã đến nhận quyết định hưởng gần 140.000 lao động (giảm 13,88% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong số này, nhóm lao động từ 25-40 tuổi nhận trợ cấp thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất với 90.203 người (62,82%). Tiếp theo là nhóm trên 40 tuổi với 40.421 người (28,15%), còn nhóm từ 24 tuổi trở xuống có 12.974 người (9,03%).
Tự “tăng ca” để bữa ăn thêm thịt cá

Nhiều lao động đã chủ động cắt giảm các chi tiêu không cần thiết để tích lũy, phòng thân – Ảnh: C.TRIỆU
Chị Cao Thị Trắng (36 tuổi, quê Cần Thơ) thuê trọ tại đường Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) kể vì con mới 7 tháng tuổi nên hiện phải xin nghỉ ở nhà chăm con. Chồng chị làm thợ sơn tự do, công 500.000 đồng/ngày, có việc thì có tiền chứ cũng không đều.
Nhưng cả nhà quyết trụ lại TP nên để phụ chồng, chị Trắng xin nhận hàng về gia công. Công việc là tra và cột đủ 200 nút thắt vào dây rút 100 mũ áo mưa tiện lợi, tiền công 4.000 đồng. Bữa nào đứa nhỏ ít quấy khóc, mẹ làm cố cũng được 10 bộ (100 mũ/bộ) coi như ngày đó kiếm được 40.000 đồng.
Chật vật là vậy nhưng chị Trắng luôn cười: “Với nhiều người 40.000 đồng chắc uống ly cà phê là xong nhưng nếu không làm tôi sẽ không có khoản đó, cũng mua thêm được miếng thịt, con cá cho bữa cơm ngon hơn”.

Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-nam-lai-thieu-lao-dong-can-biet-tao-gia-tri-cho-chinh-minh-202502241021089.htm