Xếp hàng trực tiếp đến xếp hàng online
Thời gian vừa qua, với mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 04 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên triển khai đã xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng, có người thậm chí xếp hàng mua vàng từ 5h sáng. Theo thông tin từ NHNN, tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Để hạn chế tình trạng trên, từ ngày 17/6, 4 NHTMNN là Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank đã chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến. Đến ngày 20/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng dừng mua bán trực tiếp, chuyển sang hình thức bán vàng online tới người dân.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phản ánh tình trạng khó mua được vàng trên các app ngân hàng, từ xếp hàng mua vàng trực tiếp, người dân nay chuyển sang xếp hàng trực tuyến. Anh Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, việc mua vàng khó hơn trước do số lượng người đặt đông.
“Từ khi triển khai bán vàng trực tuyến, tôi đặt 1 cây và sau đó không đặt lại được nữa. Đúng 9h vào website bán vàng, mạng sẽ không tải được. Khi tải được thì trang đã hẹn vào ngày mai”.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, khi truy cập vào các website mua bán vàng của ngân hàng cũng gặp phải tình trạng tương tự khi ngân hàng hẹn quay lại vào ngày làm việc tiếp theo do chi nhánh đã nhận đủ số lượng trong ngày.
Theo chuyên gia Trương Vi Tuấn, việc các ngân hàng triển khai bán vàng trực tuyến giúp người mua vàng có cơ hội tiếp cận thị trường công bằng hơn. Thay vì phải chen nhau xếp hàng lấy số, người dân có thể sử dụng biện pháp công nghệ qua app ngân hàng để mua vàng miếng.
Đồng thời giải quyết được vấn đề xếp hàng hộ bởi khi mua vàng qua trực tuyến, khách hàng phải xác thực được danh tính, có bằng chứng chuyển tiền vì tất cả thông tin của người mua đều được lưu trữ trong app của ngân hàng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể thanh toán hiệu quả thông qua các app ngân hàng, giảm tải thời gian chờ đợi xếp hàng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, việc mua vàng trực tuyến hiện nay vẫn tương đối khó với người dân khi các trang web luôn trong tình trạng quá tải hay gặp lỗi về bảo mật, không đăng nhập được. Ngoài ra, nếu đăng ký mua được vàng, các nhà đầu tư vẫn phải đi ra chi nhánh để lấy vàng, gây bất tiện khi di chuyển.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc bán vàng theo giá quy định của NHNN ở thời điểm hiện tai là hợp lý, giúp giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi biện pháp trên nếu kéo dài sẽ gây hệ luỵ, cụ thể là tình trạng “vàng hóa”. Khi người dân chỉ tập trung mua vàng, vàng sẽ nằm im trong dân. Trong khi mục đích chính là huy động vốn từ người dân để phục vụ, phục hồi sản xuất kinh doanh.
NHNN nên mở rộng kênh bán vàng
Đưa ra giải pháp lâu dài để bình ổn thị trường vàng, ông Long cho rằng, phía cơ quan quản lý cần điều chỉnh Nghị Định 24 bởi Nghị định này hiện tại đang bộc lộ những bất cập, nhiều quy định không phù hợp với quy luật của thị trường và thông lệ quốc tế.
Ông Trương Vi Tuấn thì cho rằng, NHNN cần tăng cường nguồn cung vàng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dân. NHNN cần minh bạch về khối lượng nguồn cung vàng miếng trong thời gian bán ra vừa qua, cập nhật các báo cáo từ SJC cũng như 4 NHTMNN để thị trường biết được sức mua vàng cũng như sức cung vàng của NHNN có đủ đáp ứng nhu cầu của người mua hay không.
Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất hiện nay là các ngân hàng cần giải quyết triệt để vấn đề công nghệ, sớm khắc phục hiện tượng không mua được vàng, treo trang web.
“NHNN nên mở rộng kênh bán. Ngoài SJC và 4 NHTMNN, nên cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng được tham gia bình ổn thị trường. Với điều kiện các doanh nghiệp phải đảm bảo về khối lượng mua vào bán ra trong ngày, xác thực danh tính khách hàng mua.
Đồng thời nên điều chỉnh giá vàng miếng theo giá vàng thế giới. Nếu giá vàng thế giới xuống mạnh mà giá vàng miếng vẫn không đổi thì có thể chưa hoàn thành mục tiêu bình ổn”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, giải pháp cần thiết nhất để bình ổn thị trường vàng lúc này là NHNN cần đáp ứng nguồn cung cho người dân.
Đồng thời, NHNN nên cân nhắc hạn chế người dân sở hữu vàng nguyên chất. Bởi vì người dân không kinh doanh, sản xuất hay chế tác vàng, trang sức. Việc người dân sở hữu vàng nguyên chất trong lâu dài có thể gây vàng hóa nền kinh tế. Chính vì vậy, nên cần có quy định hạn chế người dân sở hữu vàng, thay vào đó sử dụng tín chỉ vàng.
Ngày 21/6 vừa qua, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng miếng nhằm quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý thị trường, thảo luận các biện pháp cũng như đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định thị trường vàng.
Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng diễn biến thị trường thời gian qua có dấu hiệu của việc thuê xếp hàng, thao túng, lũng đoạn thị trường. Các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực, loại bỏ việc đầu cơ. Tuy nhiên, cũng cần truyền thông để người dân nhận thức rõ, tránh hiệu ứng tâm lý khi mua vàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định 24. NHNN khẳng định có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dieu-chinh-nghi-dinh-24-giai-phap-lau-dai-de-binh-on-gia-vang-a669769.html