(TN&MT) – Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Trong 2 câu thơ đều có 2 chữ đất, đất đai và đất nước.
Xuân này đọc lại bài thơ, tôi lại ngẫm về chữ đất trong hành trình cách mạng của Bác. Xin được bắt đầu từ câu chuyện ký ức của tôi.
Vào năm 1956, lúc đó tôi còn nhỏ nhưng đã theo mẹ ra đồng nhận thửa ruộng đầu tiên được cách mạng chia cho gia đình mình. Hồi đó, bố tôi đi bộ đội nên mẹ tôi đại diện cho gia đình đi nhận ruộng. Tôi thấy mẹ mình rưng rưng nước mắt, cắm sâu xuống đất cái biển xác định quyền sử dụng ruộng đất của một gia đình cố nông.
Tôi nhìn ra xung quanh, thấy từ đồng dưới đồng trên, từ đồng gần đồng xa, từ đồng sâu đồng cạn, những gia đình nông dân, cả chồng cả vợ cùng con cái hớn hở, săng sái, cười nói âm vang trên thửa ruộng được chia, mà chỉ ngày hôm qua thôi, họ còn phải đi làm thuê, cấy mướn cho địa chủ. Tôi nghe rõ, một bác nông dân đọc, rồi tất cả những người nông dân hôm đó đọc to câu ca dao: “Cầm vàng, còn sợ vàng rơi/ Dân cày có ruộng, đời đời ấm no”.
Tiếng reo hò của những người nông dân âm vang, bay xa, truyền cảm hứng hạnh phúc tột cùng cho mọi người dân. Thế mới thấy, ruộng đất có ý nghĩa lớn lao đối với Nhân dân Việt Nam nói chung và người Nông dân nói riêng đến nhường nào. Có ruộng cày đồng nghĩa với việc người Nông dân được làm chủ ruộng đất, “coi đó là tài sản của tôi, do tôi và vì tôi”; đã xác định vị thế mới của họ, từ kiếp nô lệ, làm thuê, cấy mướn, bị đế quốc và phong kiến bóc lột thậm tệ đến vị thế người làm chủ, tự mình cày cấy trên thửa ruộng của mình.
![1.-kia-bong-bac-hon-len-hon-dat.png](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/Dat-trong-hanh-trinh-cach-mang-cua-Chu-tich-Ho.png)
Hồi đó, tôi chưa thấm thía ý nghĩa lớn lao của việc “cách mạng đã đem ruộng đất chia cho dân cày”. Sau này, tôi hiểu được, cái biển xác định thửa ruộng do mẹ tôi và những người nông dân cắm hôm ấy là thành quả của cuộc cách mạng ruộng đất. Trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ là công hữu hóa đất đai: “…Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo; Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo…”. Từ mục tiêu, nhiệm vụ đúng đắn đó, Đảng ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho đất nước, để người cày có ruộng và làm chủ ruộng đất, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, được ở trong ngôi nhà cất trên mảnh đất của mình, người người hạnh phúc, nhà nhà no ấm.
Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, trong cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – đã từ biệt quê hương, rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. 30 năm bôn ba, mùa xuân năm 1941, vào đúng ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Thời khắc thiêng liêng đặt chân lên mảnh đất Tổ quốc khi vượt qua Cột mốc 108 biên giới Việt – Trung và hình ảnh Người hôn lên hòn đất đã khắc họa thành áng thơ bất hủ trong “Người đi tìm hình của Nước”: “Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai…”.
Trở lại với tứ thơ và nội dung tôi đề cập ngay từ khi đặt bút viết bài này, đó là trong áng thơ đẹp trên có hai chữ đất: đất đai và đất nước. Hòn đất là “nhân vật” đại diện cho tư liệu sản xuất của người dân, nhưng, ở một nghĩa sâu hơn, hòn đất còn là một phần máu thịt trong cương vực lãnh thổ Tổ quốc. Vì vậy, trong các bài nói bài viết của mình, Hồ Chí Minh luôn gắn đất với nước, đất với đất nước, đất nước với Tổ quốc.
Trong bài nói chuyện với Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc họp tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ngày 14/9/1959, Người căn dặn: “Các chú đều biết Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh”**.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ và luôn căn dặn rằng: Đất nước – Tổ quốc Việt Nam được cấu thành bởi sáu yếu tố thiên nhiên và xã hội là: Tài nguyên Con người, với 54 dân tộc anh em cùng chung nguồn cội; Tài nguyên Đất, Tài nguyên Nước, Tài nguyên Khí hậu, Tài nguyên Rừng, Tài nguyên Biển và Tài nguyên Khoáng sản. Bác cũng sử dụng khái niệm Tài nguyên ở một tầm cao và chiều sâu ngữ nghĩa, trong đó, nói về tài nguyên con người và dân tộc đã bao hàm cả ý nghĩa tổng quát về chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội…
![2.-lang-nghe-trong-mau-hong-hinh-dat-nuoc-phoi-thai.png](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/1737997035_218_Dat-trong-hanh-trinh-cach-mang-cua-Chu-tich-Ho.png)
Ngày nay, đất nước Việt Nam đã được thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam, với bốn cực là: Cực Đông Mũi Đôi bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; cực Tây là cột mốc số 0 tại A Pa Chải, Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên; cực Bắc là Cột cờ Lũng Cú tại xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang; cực Nam là Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau. Đất nước chúng ta có hình chữ S, giàu đẹp, vạm vỡ, kiêu hãnh, hướng ra biển Đông, rẽ sóng băng băng. Đúng như Nhà thơ Xuân Diệu đã vẽ bản đồ Tổ quốc bằng hai câu thơ: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó – Mũi Cà Mau”.
Thực hiện ước muốn tột bậc của Bác, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong công cuộc đi lên hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, tôi rất tâm đắc với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư. Đó là thông điệp có giá trị trường tồn về phát triển môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội bền vững, mà Bác Hồ đã gửi đến các thế hệ người Việt Nam. Trong đó, về chữ kiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, theo tôi, phải khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, khai thác phải bền vững, đi đôi với bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ cho đời sau, tiết kiệm tài nguyên, nguồn lực đất đai, chống lãng phí tài nguyên, lãng phí nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người. Đó là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được khát vọng vươn mình của dân tộc. Đó cũng là thông điệp thức tỉnh sâu sắc không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai được truyền đi mạnh mẽ trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Khi đặt bút viết những dòng này, tôi cảm nhận rất rõ cảm giác hạnh phúc của chính tôi. Không hạnh phúc sao được khi mình là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sống trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước vươn mình, người dân ấm no, hạnh phúc – thỏa khát vọng mà sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong ước.
*Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
** Sách: Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.V,tr.260-262.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/dat-trong-hanh-trinh-cach-mang-cua-chu-tich-ho-chi-minh-386136.html