Kinhtedothi – Nếu người dân đến đình, đền, chùa thường công đức, giọt dầu để góp phần thắp sáng nhang đèn nơi tâm linh, thờ tự thì đạo diễn Mai Thanh Tùng lại chọn cách khác để tiếp thêm chút ánh sáng cho những di tích ấy.
Ở nghĩa đen, chính là việc các chương trình nghệ thuật của anh làm sáng bừng lên các địa danh lịch sử trong những lễ hội rực rỡ sắc màu; ở một nghĩa khác, thông qua các hoạt động này, di tích được “đánh thức”, hòa nhịp vào đời sống hiện đại và trở thành nguồn lực mạnh mẽ cho công nghiệp văn hóa…
“Thổi hồn” cho di tích
Không chỉ người dân Bắc Từ Liêm, nhiều du khách và khán giả truyền hình còn nhớ như in niềm vui sướng và xúc động khi được xem chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa”. Ngôi đình thiêng liêng có tuổi đời mấy ngàn năm nằm bên dòng sông Hồng – sông mẹ của văn hóa Hà Nội và văn hóa mang tên mình vốn đã có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp dẹp giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đồng thời, với kiến trúc cổ kính và độc đáo, quay mặt ra dòng sông quanh năm sóng vỗ mênh mang, đình Chèm còn là nơi người dân Hà Nội và du khách thập phương thường xuyên đến lễ bái, vãn cảnh.
Nhắc tới đình Chèm là nhắc đến ngôi đình cổ ngàn năm tuổi thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng). Không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh, đình Chèm còn được biết đến với thiết kế độc đáo xây dựng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” chắc chắn và công phu.
Dù vậy, trong suốt hơn 2.000 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, lần đầu tiên đình Chèm được bừng sáng trong một lễ hội chưa từng có. Đây là ngày hội không chỉ riêng của Nhân dân quận Bắc Từ Liêm mà còn là của những người yêu quý di sản của cha ông, những người yêu mến đình Chèm bấy lâu nay.
Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, chương trình nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo, độc đáo, mới mẻ trên tinh thần phát huy những giá trị di sản, tô đậm thêm vị thế của đình Chèm trong tâm linh người Việt.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” vì thế được tổ chức nhằm giới thiệu về ngôi đình linh thiêng bên sông Hồng, tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống, những tinh hoa dân tộc được kết tinh qua nhiều thế hệ, thể hiện trí tuệ, phẩm chất trong tư duy, lối sống của Nhân dân trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Chương trình cũng hướng tới phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận Bắc Từ Liêm, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của quận; góp phần kết nối, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn các quận theo trục sông Hồng trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
“Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” được kết cấu gồm ba chương: Mạch nguồn văn hiến; Kiệt tác ngàn năm – Lắng hồn dân tộc; Bừng sáng tinh hoa. Trong đó, hoạt cảnh Linh thiêng đình Chèm với phần thể hiện lời bình của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức càng mang đến tầm vóc, ý nghĩa của ngôi đình cổ kính hàng nghìn năm tuổi, nhấn mạnh yếu tố “huyền thoại” của di tích độc đáo này.
Trong một sự kiện mang đầy tính sáng tạo ấy, Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng sử dụng âm nhạc là đường dây xuyên suốt để kể câu chuyện về hành trình của dòng chảy tinh hoa. Nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng cùng với hệ thống âm thanh, ánh sáng đỉnh cao, hòa cùng gió sông Hồng mênh mang ngàn năm đem đến một trải nghiệm khó quên trong lòng khán giả.
Chương trình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Đồng thời, đình Chèm cũng đã thực sự khởi sắc hơn, thu hút đông đảo người dân tham quan, lễ bái. Đồng thời Nhân dân địa phương cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ giá trị của di tích.
Làm sống dậy mạnh mẽ những nguồn lực
Trong việc phát triển công nghiệp văn hóa của TP Hà Nội, di tích, di sản, những giá trị văn hóa truyền thống không thể đứng ngoài cuộc. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có những điểm nhấn, điểm đến, những hoạt động sôi động để mang lại điều khác biệt, độc đáo. “Đánh thức”, “thổi hồn” cho những công trình kiến trúc, điểm thờ tự, tâm linh nổi tiếng, có giá trị qua nhiều đời chính là một hướng đi đúng đắn. Điều này vừa giúp tận dụng những vốn quý cha ông để lại, không bỏ phí nguồn lực mà lại mang đến bản sắc riêng biệt của địa phương mình.
Hòa trong dòng chảy của sự sáng tạo, sống dậy mạnh mẽ những di tích ấy, quận Đống Đa cũng mang đến cho công nghiệp văn hóa Thủ đô một luồng gió mới vào đầu Xuân mới năm nay. Là một trong những lễ hội sớm nhất của Hà Nội và cả nước, Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025 không chỉ mở ra một mùa lễ hội, một mùa Xuân mới với nhiều hi vọng mới mà còn mang nhiều yếu tố quan trọng với Nhân dân trong vùng và cả nước.
Điều đầu tiên phải kể đến đây là nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng của đất nước ta, đó là làm cho kẻ thù đại bại “phiến giáp bất hoàn” vì dám xâm phạm vào lãnh thổ nước ta. Người anh hùng áo vải Quang Trung cùng đoàn quân của mình thần tốc ra Thăng Long để “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Thực tế là, dù kẻ thù mạnh đến đâu, cứ có dã tâm xâm lược nước ta là chúng sẽ “bị đánh tơi bời”.
Bởi thế, Gò Đống Đa là minh chứng ngàn đời cho sự đại bại của quân xâm lược, là niềm tự hào cho truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra hàng năm ngoài để tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung thì con tôn vinh lên tinh thần quật cường của dân tộc ta. Đồng thời để giáo dục những thế hệ sau về những giá trị tinh thần của ông cha ta, về nghệ thuật chuyển quân thần tốc và chiến lược đánh nhanh, thắng gọn của quân Tây Sơn.
Điểm khác biệt là năm nay Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa sẽ được tổ chức vào tối ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) tại Công viên văn hóa Đống Đa thay vì vào buổi sáng như mọi năm. Đây là lần đầu tiên Lễ hội được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh thành phố trên cả nước cùng các nền tảng số vào lúc 20h10 tới đông đảo người dân, du khách với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với Chủ đề “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại do đạo diễn Mai Thanh Tùng và Oscar Media tiếp tục đảm nhiệm trọng trách thực hiện.
Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…
Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động những khung cảnh trong đời sống của Nhân dân trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII, sự nhiễu nhương, rối loạn của triều đình, của giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, khí thế hừng hực trong các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn.
Không giống như mọi năm chỉ được đứng từ xa chiêm ngưỡng, năm nay, khán giả có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên…, có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của Nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chú trọng vào yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn vinh công đức vua Quang Trung kết hợp các màn biểu diễn với những công nghệ hiện đại nhất. Công nghệ 3D mapping sẽ vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan.
Kĩ xảo ánh sáng, âm nhạc và các vũ công nhảy, múa, trình diễn xiếc nghệ thuật, sắp xếp tạo hình uyển chuyển, uốn lượn, nối tiếp nhau được lập trình theo kịch bản, với ý đồ nghệ thuật giống như một ma trận huyền bí, thu hút người xem. Chương trình là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức hấp dẫn của công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử giá trị, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho các câu chuyện lịch sử trong nhịp sống đương đại, thu hút sự theo dõi của đông đảo Nhân dân và du khách.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ & MC nổi tiếng: NSND Thanh Lam, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Minh Quân, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, ca sĩ Ngọc Ký, ca sĩ Viết Danh, ca sĩ Đông Hùng, ca sĩ Minh Đức, ca sĩ Quỳnh Lady, ca sĩ Minh Phương cùng vũ đoàn Lavender, Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, tập thể diễn viên quần chúng Quận Đống Đa. Dẫn chương trình: MC Hồng Nhung và Sơn Lâm.
Sức mạnh tuyệt vời của nghệ thuật là thông qua hình thức biểu đạt của nó chạm vào trái tim người xem, khơi gợi lên trong họ những tình cảm, niềm xúc động và truyền vào đó thấm nhất thông điệp mà chương trình muốn gửi đến. Chắc chắn rằng, dưới bàn tay tài hoa và sáng tạo của Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng, thông qua lễ hội này, tâm nguyện của Ban Tổ chức sẽ được gửi gắm trọn vẹn tới người xem.
Bên cạnh đó, đây cũng là hình thức đổi mới, sẽ tạo thành một con đường mới để các địa phương không chỉ tại Hà Nội mà còn cả nước sẽ tiếp tục trân trọng, phát huy, làm sáng lên những vốn quý của địa phương mình. Trên hành trình ấy, đạo diễn Mai Thanh Tùng sẽ là người bền bỉ, nhẫn nại, sáng tạo để góp thêm chút ánh sáng cho những di tích, di sản tỏa sáng trong nhịp sống hiện đại.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dao-dien-mai-thanh-tung-nguoi-tiep-sang-nhung-di-tich-cua-ha-noi.html