Trang chủNewsThời sựĐại học Quốc gia TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc',...

Đại học Quốc gia TPHCM phát huy 3 ‘tiên phong xuất sắc’, vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á

Sáng 23/2, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM).

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG TPHCM – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Ngày 27/1/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 16/CP thành lập ĐHQG TPHCM với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế, giữ vai trò tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG TPHCM – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân, trên hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG TPHCM đã đạt được những thành quả xuất sắc trong phát triển tổ chức, thực hiện tự chủ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, đáp ứng kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập là một cột mốc quan trọng trên hành trình xây dựng và phát triển ĐHQG TPHCM, không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của một hệ thống đại học hàng đầu đất nước mà còn là dịp để cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển đầy tự hào, từ đó tiếp tục phấn đấu vì tương lai tươi sáng của nền giáo dục Việt Nam.

ĐHQG TPHCM bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam; tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 3.
Thủ tướng và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khẳng định vai trò cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của đất nước

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến dự lễ kỷ niệm tại TPHCM – Thành phố mang tên Bác – đầu tàu kinh tế năng động, sáng tạo của cả nước – nơi hội tụ và giao thoa các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống và là một điểm đến an toàn, sống động, thân thiện, mến khách.

Nhấn mạnh ĐHQG TPHCM là một biểu tượng của sự nỗ lực vượt bậc, đổi mới toàn diện và phát triển không ngừng của nền giáo dục đại học Việt Nam với nhiều thành tích xuất sắc, rất đáng tự hào, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng gửi tới các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên ĐHQG TPHCM, các đại biểu khách quý lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Theo Thủ tướng, trải qua những sự kiện thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước Việt Nam, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân, của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 4.
Thủ tướng đề nghị ĐHQG TPHCM thực hiện 3 “tiên phong xuất sắc” – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong những năm đầu đổi mới cách đây gần 40 năm, trong bối cảnh đất nước ta chuyển mình đổi mới mạnh mẽ, mở cửa với thế giới, nền giáo dục nước nhà nói chung, giáo dục đại học nói riêng bộc lộ những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Trong đó, nổi lên là sự hạn chế về nguồn lực, về chất lượng, về cơ cấu, gồm nhiều trường đại học quy mô nhỏ, mô hình hoạt động lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao cho phát triển đất nước.

Xác định rõ giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và với tầm nhìn chiến lược, ngay từ đầu những năm 1990, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tập trung đổi mới công tác giáo dục đào tạo, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia” để làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập ĐHQG Hà Nội vào cuối năm 1993 (Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993) và ĐHQG TPHCM vào đầu năm 1995 (Nghị định số 16/CP ngày 27/01/1995). Đây là quyết sách được xem là giải pháp đột phá để tích hợp các nguồn lực đang phân tán ở nhiều đại học trường đơn ngành thành đại học lớn với sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp; đồng thời được đầu tư trọng điểm và trao cơ chế tự chủ để thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học toàn diện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, với tầm nhìn chiến lược từng bước vươn mình ra khu vực, quốc tế.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TPHCM – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, với sứ mệnh lớn lao đó, đòi hỏi 2 ĐHQG nói chung và ĐHQG TPHCM nói riêng phải hoạch định chiến lược phát triển dựa trên tư duy đột phá, kiến tạo các giá trị mới, kiên trì, bền bỉ phấn đấu, nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, sự can đảm và bản lĩnh để vừa khẳng định những giá trị riêng có, vừa định hướng, dẫn dắt sự phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy trong 30 năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, ĐHQG TPHCM đã không ngừng phát triển lớn mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của đất nước – là nơi không chỉ truyền dạy kiến thức, nghiên cứu khoa học, mà còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; xây dựng, bồi dưỡng thế hệ trẻ trí tuệ, tài năng, tự tin vươn tầm khu vực, thế giới.

Một số thành tựu ấn tượng của ĐHQG TPHCM sau 30 năm thành lập:

– Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước: 400.000 người

– Số chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế: 154

– Số ngành/ lĩnh vực đào tạo được xếp hạng quốc tế: 18

-S ố lượng công bố quốc tế thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus: gần 20.000, trong đó năm 2024: 3.200

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng đánh giá, ĐHQG TPHCM đã khai thác tốt quyền tự chủ để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài từ bậc trung học phổ thông, đại học, cao học đến tiến sĩ; cung cấp gần 400.000 nhân lực trình độ cao cho đất nước. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành, doanh nhân thành đạt đã trưởng thành từ hệ thống ĐHQG TPHCM.

ĐHQG TPHCM phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế và thế mạnh về cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 154 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, trong đó 18 ngành, lĩnh vực đào tạo được xếp hạng quốc tế. Đồng thời, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề trọng điểm, mang tính chiến lược của đất nước, của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, khoa học giáo dục, khoa học sức khỏe, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, luật, sư phạm…

ĐHQG TPHCM luôn duy trì là một đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng và chất lượng các công bố quốc tế, với tổng số gần 20.000 công bố quốc tế. Các nhà khoa học của ĐHQG TPHCM đã nỗ lực không mệt mỏi, tích cực thúc đẩy những xu hướng khoa học mới, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của đất nước và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… Theo bảng xếp hạng của QS World 2025, ĐHQG TPHCM thuộc nhóm 951-1.000 các đại học tốt nhất thế thế giới sau 30 năm thành lập.

ĐHQG TPHCM được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai và tham gia nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học quan trọng tầm quốc gia, trong đó có Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

ĐHQG TPHCM đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp, hoạt động theo cơ chế tự chủ; là minh chứng thuyết phục, khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đại học.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 6.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TPHCM – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, ĐHQG TPHCM đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động Hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào mà các thế hệ thầy và trò ĐHQG TPHCM đã đạt được trong 30 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Hội tụ nhân tài và lan tỏa trí tuệ, văn hóa Việt Nam

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; hướng tới 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đó, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm duy trì mức tăng trưởng cao hai con số, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới. Trong đó, xác định rõ những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và ưu tiên dành nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao – một trong 3 đột phá chiến lược, vừa có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhất là về tăng năng suất lao động, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đặc biệt, đây cũng là một yếu tố cấu thành quan trọng tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 7.
Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân trình bày diễn văn kỷ niệm – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong đó, gần đây nhất, Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó có “Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia… ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, trong đó xác định rõ quan điểm: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.

Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, hệ thống giáo dục đại học nói chung và ĐHQG TPHCM nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo sự chuyển biến về chất cho nền kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản nhất trí với tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TPHCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa trí tuệ, văn hóa Việt Nam với 3 giá trị cốt lõi: (1) Xuất sắc, tiên phong, chính trực trong đào tạo, nghiên cứu; (2) Trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động; (3) Gắn kết, phục vụ cộng đồng.

Thời gian tới, để đạt được tầm nhìn nêu trên và mục tiêu “phát triển ĐHQG TPHCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, các Quy hoạch vùng Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.

Thủ tướng: ĐHQG TPHCM phát huy 3 'tiên phong xuất sắc', vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á- Ảnh 8.
Chương trình văn nghệ chào mừng tại Lễ kỷ niệm – ẢNh: VGP/Nhật Bắc

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể – Thầy cô giáo là động lực – Nhà trường làm bệ đỡ – Gia đình là điểm tựa – Xã hội là nền tảng”.

Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hoá kết quả nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu với doanh nghiệp.

Ưu tiên phân bổ chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.

Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế – xã hội và của cả nước. Rà soát, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.

Với ĐHQG TPHCM, Thủ tướng đề nghị nỗ lực phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu: đến năm 2030 thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Thủ tướng nhấn mạnh, ĐHQG TPHCM có đủ tự tin, bản lĩnh, điều kiện để phát triển, để tiến nhanh, bền vững; cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ động, tích cực đề xuất các cơ chế, chính sách, đóng góp cao nhất, hiệu quả nhất cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo đó, cần tập trung xây dựng và vận hành mô hình quản trị đại học trên nền tảng số, đảm bảo tự chủ đại học, phát huy sức mạnh hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển thành một hệ sinh thái giáo dục – khoa học – công nghệ – quản lý hàng đầu Việt Nam. Phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tiên phong triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Trung ương, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, các nghị quyết khác có liên quan trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng xuất sắc, học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, quan tâm hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản. Đến năm 2030, đào tạo 1.800 cử nhân, 500 thạc sĩ, tiến sĩ ngành thiết kế vi mạch; đào tạo chuyển đổi, cấp chứng chỉ cho khoảng 15.000 cử nhân nhóm ngành công nghệ vi mạch bán dẫn; đào tạo 20.000 cử nhân, 2.300 thạc sĩ, tiến sĩ nhóm ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; đào tạo 1.600 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ nhóm ngành công nghệ sinh học.

Cùng với đó, chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ xuất sắc, trong đó có các nhà khoa học từ nước ngoài. Tập trung xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: Công nghệ bán dẫn, sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với Vùng và khu vực châu Á. Đến năm 2030, ươm tạo ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công với quy mô hàng chục triệu USD. Phát triển nguồn lực tài chính bền vững và xây dựng Khu đô thị ĐHQG TPHCM sáng xanh sạch đẹp, hiện đại và bản sắc.

Đặc biệt, trên cơ sở các giá trị cốt lõi của ĐHQG TPHCM, Thủ tướng đề nghị ĐHQG TPHCM thực hiện 3 “tiên phong xuất sắc”:

Thứ nhất, tiên phong xuất sắc trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên tinh thần nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán.

Thứ hai, tiên phong xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành mới nổi trong kỷ nguyên thông minh.

Thứ ba, tiên phong xuất sắc trong giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ĐHQG TPHCM thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các cơ quan liên quan và 2 ĐHQG khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG. Trong đó, xác định rõ trao quyền tự chủ cao; có cơ chế, chính sách vượt trội về thu hút nhân tài, tuyển dụng các giảng viên, nhà khoa học từ các trường đại học hàng đầu thế giới; thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các tổ chức quốc tế, trong nước, nâng cao quản trị thông minh

UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương, các tỉnh có liên quan cùng các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ ĐHQG TPHCM tháo gỡ ngay các vướng mắc về tài chính, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… để sớm hoàn thành giai đoạn 2 của Khu đô thị ĐHQG TPHCM hơn 640 ha.

Đối với các thầy, cô giáo ĐHQG TPHCM, Thủ tướng đề nghị mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức – luyện tài, yêu nghề – yêu người; không ngừng rèn luyện, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui.

Đối với các cháu học sinh, sinh viên, Thủ tướng đề nghị phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, là chủ thể, là những chủ nhân tương lai của đất nước; luôn nuôi dưỡng ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, đóng góp cho đất nước.

Thủ tướng khẳng định, hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của ĐHQG TPHCM vừa qua là hành trình của sự kế thừa, kiên trì và liên tục đổi mới sáng tạo; là những đóng góp đầy tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên cho sự phát triển vững vàng của ĐHQG TPHCM.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, tập thể lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên ĐHQG TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu 30 năm phát triển rất đáng tự hào, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên với những bước phát triển mạnh mẽ đột phá, đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, luôn xứng đáng là ngọn cờ của hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, với hành trình phát triển mới – hành trình mà sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường, sự sáng tạo không giới hạn của đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam sẽ góp phần tạo ra những kỳ tích mới của Việt Nam.



Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thu-tuong-dai-hoc-quoc-gia-tphcm-phat-huy-3-tien-phong-xuat-sac-vao-nhom-100-dai-hoc-hang-dau-chau-a-386944.html

Cùng chủ đề

Kiểm tra phải nêu bật kết quả, chỉ ra hạn chế và giải pháp khắc phục

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tốt với Đoàn kiểm tra; chủ động cung cấp trung thực, các nội dung, phản ánh đúng tình hình. Chiều 23/2, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng đoàn kiểm tra số 1908 đã chủ trì Hội nghị công bố quyết định...

Thủ tướng Việt Nam – Campuchia

(NLĐO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tại TP HCM. ...

Kiên quyết thu hồi nếu không phân bổ xong 84,8 nghìn tỷ vốn đầu tư công

Với yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công, Thủ tướng chỉ ra trong tổng số vốn đầu tư công 2025, còn 84.800 tỷ đồng chưa phân bổ. Ông yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý I/2025, nếu chưa xong thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác. ...

Biến khó khăn, thách thức thành động lực

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phải tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực hơn. Ngày 21/2, Thủ tướng Phạm...

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ mới được bổ nhiệm

(NLĐO)- Thủ tướng đề nghị các các thành viên Chính phủ luôn phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, xây dựng Chính phủ liêm chính ...

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại...

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 55/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. ...

Ba Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia họp triển khai Kết luận Cuộc gặp giữa ba Người đứng đầu ba Đảng

Chiều 22/2, nhân dịp tham dự Cuộc gặp giữa ba Người đứng đầu ba Đảng Việt Nam, Campuchia và Lào tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhằm quán triệt các nội dung thỏa thuận tại Kết luận của Cuộc gặp giữa ba Người đứng đầu ba Đảng. ...

Ông Nguyễn Văn Quyết giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Long An

(TN&MT) - Sáng 22/02, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiệm kỳ 2020-2025. ...

Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam được xây dựng và ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát...

Tiếp tục gìn giữ, vun đắp mối quan hệ Việt Nam

Ngày 21/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Cuộc gặp cấp cao giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch CPP, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đồng chủ trì. Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tiep-tuc-gin-giu-vun-dap-moi-quan-he-viet-nam-campuchia-ngay-cang-phat-trien-ben-chat-386919.html

Bài đọc nhiều

Vĩnh Long dời bến phà An Bình sang bến tạm

Ngày 12/9, UBND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có thông báo về việc...

Trải nghiệm Internet của Starlink tại Việt Nam

Internet vệ tinh Starlink của SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập, cho tốc độ tải về 200 Mbps, nhưng chưa thể sử dụng chính thức tại Việt Nam. Hồi tháng 9, trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện SpaceX cho biết muốn mở rộng đầu tư và cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam, giúp triển khai dịch vụ Internet băng thông rộng tại những "vùng lõm" về sóng trong nước. Một số bộ thiết bị cũng...

Khắc phục ngay sự cố hư hỏng nặng trên tuyến đường Mỹ Xuân

Do xe lớn ra vào công trình nhiều khiến một đoạn trên tuyến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao hư hỏng nặng gây mất ATGT. ...

Tin tức tai nạn giao thông mới nhất ngày hôm nay 20/2/2025

Tin tức tai nạn giao thông mới nhất ngày hôm nay 20/2/2025: Ô tô khách biến dạng khi va chạm xe đầu kéo trên QL20; Đang đổ dốc cầu, ô tô 7 chỗ lao qua dải phân cách tông vào xe tải... ...

Thái Bình hợp nhất 10 sở để thành lập 5 sở mới

(Dân trí) - Tỉnh Thái Bình vừa công bố thành lập 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất 10 sở. Ngày 19/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức hội nghị công bố nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công tác cán bộ.Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị các sở mới thành lập...

Cùng chuyên mục

Hoàn thiện hướng dẫn thí điểm dự án nhà ở thương mại

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 55/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại. Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất...

U20 Nhật Bản và U20 Hàn Quốc giành vé dự World Cup sau loạt sút luân lưu

(Dân trí) - Hai quốc gia phát triển bóng đá trẻ thuộc vào loại tốt nhất châu Á gồm Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt có vé đến World Cup U20, sau những chiến thắng nghẹt thở trước Iran và Uzbekistan. Ở cặp đấu giữa Nhật Bản và Iran, Iran là đội vươn lên dẫn trước từ rất sớm. Bóng mới lăn 5 phút, đội bóng Tây Á đã dẫn trước nhờ công của Reza Ghandipour.Sau khi Nhật Bản...

Khi trẻ em “cày cuốc KPI” tiền trong gió lạnh Sa Pa

Ít bữa nay những ai trở lại và tận hưởng gió lạnh Sa Pa không khỏi “sốc” khi xuất hiện những đám trẻ em nhảy múa mà nhiều người gọi là “cày cuốc KPI” tiền bạc. "Vũ công" trong gió lạnh Sa Pa Hiện tượng các đám trẻ em níu kéo xin tiền khách du lịch giữa gió lạnh Sa Pa đã không còn gì lạ nhưng năm nay thay vào đó là...

Người phụ nữ từ Nhật về quên túi đựng tiền tiết kiệm tại xe đẩy sân bay

(NLĐO)- Chị Nguyễn Thị H. xúc động chia sẻ đây là khoản tiền tiết kiệm sau thời gian làm việc tại Nhật, mang về để chuẩn bị sinh con. ...

Thi thể người phụ nữ cháy đen trong lô cao su ven quốc lộ ở Đồng Nai

Người dân bàng hoàng phát hiện thi thể người phụ nữ bị cháy đen, quấn giấy bạc trong rẫy cao su gần quốc lộ 20 (Đồng Nai). Hôm nay (23/2), cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang điều tra nguyên nhân vụ việc phát hiện thi thể người phụ nữ bị cháy đen trong lô cao su ven quốc lộ 20. Theo thông tin ban đầu, chiều cùng ngày, người dân đi qua khu vực rẫy cao su gần quốc...

Mới nhất

U20 Nhật Bản và U20 Hàn Quốc giành vé dự World Cup sau loạt sút luân lưu

(Dân trí) - Hai quốc gia phát triển bóng đá trẻ thuộc vào loại tốt nhất châu Á gồm Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt có vé đến World Cup U20, sau những chiến thắng nghẹt thở trước Iran và Uzbekistan. Ở cặp đấu giữa Nhật Bản và Iran, Iran là đội vươn lên dẫn trước từ rất sớm....

Thị trường tăng, nông dân có tiềm lực tài chính mạnh và đại lý tiếp tục thu mua tích trữ

Giá tiêu hôm nay 24/2/2025 tại thị trường trong nước tăng ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 160.000 – 162.000 đồng/kg.

Giá vàng có thể “rớt” khỏi đỉnh, lộ diện mức quan trọng về mặt tâm lý, thị trường cần thêm thời gian

Giá vàng hôm nay 24/2/2025 ghi nhận các chuyên gia trong ngành ngày càng thận trọng về triển vọng ngắn hạn. Việc kim loại quý có tăng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce được hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách tài khóa của chính phủ Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed.

Mới nhất